Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đề xuất bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Dự thảo nêu rõ trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Theo đó, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh quy định tại Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện các trách nhiệm sau đây:
a) Các trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
b) Không được cung cấp cho người tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại, ngoài việc thực hiện các trách nhiệm quy định trên, còn phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo nội quy do Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại ban hành và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, khu thương mại có các trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành nội quy theo quy định của pháp luật trong đó phải có các nội dung cơ bản về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm: quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, người bán hàng; người có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, phản ánh của người tiêu dùng và biện pháp xử lý vi phạm;
b) Hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và người bán hàng trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại khi được yêu cầu;
c) Đặt và duy trì hoạt động của cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa;
d) Thường xuyên giám sát chất lượng, số lượng của hàng hóa trong khu vực chợ, trung tâm thương mại;
đ) Thiết lập, niêm yết công khai đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người tiêu dùng phù hợp với cấp độ chợ, trung tâm thương mại đã được phân loại theo quy định của pháp luật;
e) Định kỳ 6 tháng một lần thông báo, phối hợp với các cơ quan chức năng về thương mại, quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong việc kiểm soát chất lượng, số lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại do mình quản lý;
f) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của pháp luật có liên quan khác;
g) Xử lý vi phạm theo nội quy đã được phê duyệt.