Hoạt động ngân hàng

Giám sát vi mô, ứng dụng mô hình cảnh báo sớm vào giám sát tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố

T.H 30/08/2023 10:30

Trong 2 ngày 28-29/8/2023, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và Ngân hàng Thế giới tổ chức Tọa đàm trao đổi về giám sát vi mô, ứng dụng mô hình cảnh báo sớm vào giám sát tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, thành phố.

web.jpeg-4(1).jpg
Quang cảnh tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ triển khai các cấu phần của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam” (Dự án BSSD) do Cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ (SECO) ủy thác tài trợ qua Ngân hàng Thế giới (WB),

Nội dung Tọa đàm bao gồm: (i) Quy định về giám sát rủi ro đối với chi nhánh TCTD; (ii) Phương pháp, kỹ thuật và công cụ cảnh báo sớm do Dự án BSSD đề xuất; (iii) Hệ thống chỉ tiêu để giám sát rủi ro đối với các khoản mục tài sản, nợ phải trả, thu nhập, chi phí và chênh lệch thu chi; và (iv) Phương pháp, kỹ thuật và công cụ giám sát các chỉ tiêu này.

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, ông Lê Trung Kiên – Phó Cục trưởng, Cục Giám sát an toàn hệ thống các TCTD cho biết, Thông tư 08/2022/TT-NHNN ngày 30/6/2022 quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng và Sổ tay giám sát an toàn vi mô (theo Quyết định số 1217/QĐ-NHNN ngày 22/6/2023) của NHNN được ban hành trong thời gian vừa qua là những văn bản khung quy định về công tác giám sát, đặc biệt là giám sát an toàn vi mô, trong đó quy định các chỉ tiêu giám sát cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

"Việc phải xây dựng các ngưỡng sau khi có các chỉ tiêu giám sát an toàn là rất cần thiết nhằm phục vụ quá trình theo dõi, quản lý và cảnh báo đối với các chỉ tiêu này", ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh và cho biết thêm: :Các ngưỡng giám sát đóng vai trò như những hệ thống quét tín hiệu, bắt tín hiệu và sớm khu trú được các khu vực có vấn đề tiềm ẩn, từ đó định hướng các phân tích giám sát sâu hơn".

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận sôi nổi về thực tiễn giám sát vi mô tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các chỉ tiêu giám sát hiện đang được sử dụng; chia sẻ cách thức ứng xử giám sát khi xuất hiện các quan ngại trong quá trình theo dõi, giám sát các chỉ tiêu.

Trong phần trao đổi, thảo luận này, rất nhiều đại biểu đều đề cập đến những khó khăn vướng mắc chung trong việc chiết xuất, khai thác và phân tích dữ liệu đầu vào để có những đánh giá giám sát phù hợp và mong muốn có được giải pháp khắc phục hiệu quả những khó khăn, vướng mắc đó.

Phần chia sẻ và demo về công cụ khai thác dữ liệu, xây dựng ngưỡng của diễn giả tại Tọa đàm đã phần nào giải đáp được các trăn trở này của đại biểu tham dự và nhận được nhiều ý kiến đánh giá phản hồi tích cực.

Kết thúc tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất về quan điểm Bộ chỉ tiêu giám sát và ngưỡng giám sát này mới là xuất phát điểm và cần được xây dựng, phát triển, hoàn thiện liên tục để đáp ứng nhu cầu và thực tiễn giám sát trong từng thời kỳ; đồng thời, các đại biểu tham dự đã rất tích cực trao đổi, thảo luận về các chỉ tiêu giám sát đang được sử dụng, các vấn đề về khai thác, phân tích dữ liệu và cách thức thực hiện giám sát an toàn vi mô hiện nay cũng như chia sẻ các phương pháp khả thi sử dụng trong xây ngưỡng giám sát, từ đó tìm ra phương pháp phù hợp nhất.

T.H