Cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của nền độc lập của Việt Nam trong Tuyên ngôn Độc lập
Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn vững chắc cho nền độc lập của nước ta. Lời tuyên bố “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” của Tuyên ngôn Độc lập đã cổ vũ tinh thần dân tộc Việt Nam đến muôn đời sau.
Âm mưu của thực dân Pháp và thái độ của các nước Đồng minh vào giải giáp quân phát xít Nhật tại Đông Dương
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), vào ngày 24/3/1945, Charles de Gaulle, viên tướng đứng đầu phong trào “Nước Pháp Tự do” chống phát xít Đức tuyên bố nước Pháp sẽ trở lại thống trị Đông Dương. Kể từ tháng 9/1944, sau khi nước Pháp được phe Đồng minh giải phóng khỏi phát xít Đức, Charles de Gaulle được coi là Tổng thống của Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Pháp.
Ngày 15/8/1945, Charles de Gaulle ngày lộ rõ âm mưu quay trở lại xâm lược Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Charles de Gaulle đã cử đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu làm Cao ủy và cử tướng Leclerc làm tư lệnh tối cao các lực lượng Pháp tại Đông Dương. Charles de Gaulle đã giao cho chúng nhiệm vụ:
“1. Cao ủy Pháp tại Đông Dương sử dụng những quyền hạn của mình là Toàn quyền Đông Dương và Tổng tư lệnh các lực lượng thủy, lục, không quân có căn cứ trên đất Đông Dương hoặc đã được chỉ định để đến chiếm đóng Đông Dương. Sứ mệnh đầu tiên của Cao ủy là khôi phục lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương.
2. Tướng chỉ huy tối cao của các lực lượng quân sự tại Viễn Đông chịu trách nhiệm, dưới quyền của Cao ủy, thi hành mọi biện pháp quân sự cần thiết nhằm khôi phục chủ quyền đó”[1].
Ngày 22/8/1945, ba ngày sau khi nhân dân Hà Nội đã tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, máy bay của Anh từ căn cứ Calcutta (Ấn Độ) đã bí mật chở 2 “Ủy viên Cộng hòa của Pháp” là Cédile nhảy dù xuống Nam Kỳ trót lọt và Messmer xuống Bắc Kỳ bị dân quân Việt Nam bắt giữ.
Vào ngày 29/8/1945, một toán đặc nhiệm Pháp mang tên “Lamda” được trang bị đầy đủ vũ khí, điện đài, lương thực do thiếu tá Castette cầm đầu từ một chiếc máy bay B.26 nhảy dù xuống Hiền Sĩ thuộc huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Toán đặc nhiệm “Lamda” nhân danh sĩ quan quân đội Đồng minh đến Huế để tìm gặp thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh và vua Bảo Đại. Ngoài thiếu tá Castette còn có hai đại úy Aguirec và Lebel và trung úy Bourbon. Nhưng chúng đã bị lực lượng cách mạng bắt giữ.
Theo quyết định của Hội nghị Potsdam (7/1945), dưới danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội phát xít Nhật Bản, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc có 20 vạn quân Tưởng và từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam có hơn 1 vạn quân Anh kéo vào nước ta.
Tuy nhiên, trong Tuyên bố của Tưởng Giới Thạch đăng trên tờ “Trung ương Nhật báo” ngày 25/8/1945 ở Côn Minh (Trung Quốc) có đoạn: “Tuân theo các điều khoản trong bản hiệp định của Đồng Minh mới đây, ngoài việc phái các lực lượng tới để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật trong vùng bắc vĩ tuyến 16, chúng tôi không có tham vọng đất đai ở Đông Dương thuộc Pháp”[2].
Về phía Anh, đô đốc Anh Mountbatten đã chắc nịch khẳng định với tướng Pháp Leclerc: “Pháp có thể quay trở lại Đông Dương”[3].
Như vậy, quân Pháp vốn không được “phân công” giải giáp quân phát xít Nhật vẫn có thể theo chân quân Anh vào lại Đông Dương. Đối với quân Tưởng, chỉ cần thực dân Pháp cho chúng quyền lợi thì ngay lập tức chúng sẽ cho quân Pháp thay thế vai trò của chúng tại Đông Dương. Thực tế sau này đã diễn ra đúng như vậy.
Giành chính quyền và tuyên bố độc lập trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương là sự quyết đoán đúng đắn của Đảng ta
Ngày 22/6/1940, Pháp mất nước vào tay phát xít Đức. Tiếp đó, tháng 9/1940, phát xít Nhật tiến quân vào Đông Dương. Thực dân Pháp đã cúi đầu rước phát xít Nhật với thỏa thuận hợp tác cùng bóc lột nhân dân ta.
Nắm được tin Pháp bị mất nước vào tay phát xít Đức, tại Côn Minh (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng. Người phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ”[4].
Mùa xuân năm 1941, vào ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Đảng ta đã thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên hiệp sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 15/4/1945, Đảng ta hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 6/1945, Đảng ta quyết định thành lập Khu giải phóng Việt Bắc với vị thế căn cứ địa cách mạng của cả nước. Với 1 triệu người gồm nhiều dân tộc khác nhau, khu giải phóng đã thực sự là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành hậu phương và bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Đến khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đề ra một Cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Chỉ thị cũng nêu rõ nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện[5].
Vào ngày 29/3/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp tướng Claire Chennault, Tư lệnh Không đoàn số 14 của Mỹ, cũng là người đại diện cao nhất của Đồng minh ở vùng miền nam Trung Quốc để thoả thuận sự hợp tác chống phát xít Nhật ở Đông Dương. Đây là quyết định sáng suốt của Người vì đã tranh thủ được lực lượng Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít của dân tộc ta.
Nắm chắc Liên Xô tấn công phát xít Nhật sẽ khiến nước Nhật đầu hàng Đồng minh, Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1 chỉ rõ quân Nhật đã tan rã trên khắp mặt trận chính là cơ hội cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc.
Ngay sau khi nước Nhật đầu hàng Đồng minh vào ngày 15/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào trong hai ngày 16 và ngày 17/8/1945 đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[6]. Thực hiện lời kêu gọi của Người, cả dân tộc nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, chỉ trong chưa đầy nửa tháng các địa phương trong cả nước đã giành thắng lợi.
Như vậy, chiến thắng của phe Đồng minh trước phe phát xít đã tạo thời cơ để Việt Nam giành độc lập. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị từ trước thì mới có đủ lực lượng để đón nhận thời cơ này. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tính toán một cách kỹ lưỡng và chu toàn ngay sau khi Người về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương nếu không tình hình sẽ hết sức hỗn loại, hết sức phức tạp. Đúng như Nghị quyết Quốc dân Đại hội (16/8/1945) đã nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nếu hoàn toàn độc lập”[7].
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Cơ sở pháp lý của nền độc lập của dân tộc Việt Nam
Nước ta vốn là một nước độc lập. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, nước ta rơi vào tay thực dân Pháp. Thực dân Pháp đã buộc triều đình nhà Nguyễn ký các văn bản thừa nhận quyền “bào hộ” của chúng trên đất nước ta.
Huênh hoang về sự “bảo hộ” nhưng thực dân Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật. Tuyên ngôn Độc lập chỉ rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật… Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Do đó, Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Bởi vậy, Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới rằng: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.
Xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lí phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” là “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776) và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791), Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945 đã suy rộng ra là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
15 năm sau khi Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) ra đời, vào năm 1960, Liên Hiệp Quốc đã nhất trí và đưa ra Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Tiếp sau đó, đến năm 1970, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhất trí được và ra đưa Tuyên bố chấm dứt vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện. Chứng tỏ tuyên bố “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” của Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) là tiếng nói đại diện cho nhân loại.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: “Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giữ nước và dựng nước, chúng ta càng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới trong suốt thời gian lịch sử từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”.
Nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson trong cuốn “Cách mạng Việt Nam 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh” in năm 1991 nhận định: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa”.
Cơ sở thực tiễn cho nền độc lập của Việt Nam
Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Đại hội đã thông qua Mười chính sách của Việt Minh. Điều đầu tiên trong Mười chính sách của Việt Minh là “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Đại hội cũng đã thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam Lãnh tụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch. Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa và Quốc ca là bài Tiến quân ca.
Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về ngoại thành Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Uỷ ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam. Chiều ngày 26/8/1945, Trung ương đón Người về ở căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang. Người quyết định cần khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 2/9/1945.
Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc ngày 2/9/1945 là bản án xét xử chính thức của chế độ thực dân Pháp đã gây khổ đau cho dân tộc Việt Nam suốt hơn 80 năm.
Nói về kết quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) tuyên bố: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) cũng tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Do đó, Bản Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.
Sau này, trong Lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc (12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”[8].
Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Trung ương Đảng ta sang Trung Quốc rồi sang Liên Xô. Thông qua đó, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở châu Á, Đông Âu đã lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”[9].
Ngày 12/1/1967, khi tiếp đoàn nhà báo Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”[10].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã tạo dựng, củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, tạo tiền đề thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hiệp Quốc. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc), trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 đối tác chiến lược (4 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.
[1] Philippe Devillers, “Paris – Sài Gòn – Hà Nội: Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944-1947”, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1993, tr. 131.
[2] L.A Patti, “Tại sao Việt Nam?”, Nxb. Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng, 2008, tr. 396.
[3] Nguyễn Thị Mai Hoa, “Thái độ của Mỹ trước việc Pháp tái chiếm Đông Dương (1945 - 1946)”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An Online, cập nhật lúc 07:36 ngày 7/12/2016.
[4] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.99
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 367
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 596.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 526
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 470
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 311
[10] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, “Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử”, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 11-12