Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc, giảm lãi suất cho vay thế chấp
Các khoản vay thế chấp rẻ hơn được cung cấp ở các thành phố lớn nhất trong khi ngân hàng trung ương giảm bớt yêu cầu dự trữ ngoại tệ bắt buộc.
Chính quyền Trung Quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ đồng Nhân dân tệ và thúc đẩy thị trường nhà ở trong nước trong nỗ lực khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm lượng ngoại tệ mà các tổ chức tài chính bắt buộc phải giữ dự trữ, báo hiệu quyết tâm hỗ trợ đồng Nhân dân tệ, vốn đã giảm hơn 5% so với đồng USD trong năm nay.
Bắc Kinh và Thượng Hải cũng hạ lãi suất vay thế chấp tối thiểu đối với người mua nhà lần đầu. Các động thái ở hai thành phố lớn nhất của Trung Quốc diễn ra sau những đợt cắt giảm tương tự tại Quảng Châu và Thâm Quyến trong tuần này và diễn ra sau khi ngày 31/8 chính quyền tuyên bố cắt giảm cả lãi suất và tỷ lệ trả trước cho các khoản vay thế chấp.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tăng tốc các biện pháp mới để hỗ trợ tiền tệ và nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực chiếm hơn 1/4 hoạt động kinh tế ở quốc gia này. Tuy nhiên, những dấu hỏi về triển vọng của các nhà phát triển bất động sản thiếu thanh khoản đã làm giảm nhu cầu đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc và khiến các ngân hàng đầu tư hạ dự báo về tỷ giá cặp đồng USD và Nhân dân tệ.
PBOC cho biết sẽ hạ yêu cầu dự trữ ngoại tệ bắt buộc đối với các ngân hàng từ 6% xuống 4%, có hiệu lực từ ngày 15/9, “nhằm nâng cao năng lực sử dụng quỹ ngoại tệ của các tổ chức tài chính”.
Đồng Nhân dân tệ đã tăng tới 0,2% lên 7,2431 Nhân dân tệ/1 USD sau động thái này. Việc cắt giảm dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng lượng đô la sẵn có trên thị trường nội địa và có nghĩa là các ngân hàng thương mại có đủ khả năng để cắt giảm lãi suất đối với các khoản tiền gửi bằng đồng USD. Điều này nhằm làm cho việc chuyển đổi đồng Nhân dân tệ sang đồng USD trở nên kém hấp dẫn hơn, vốn đang góp phần tạo áp lực lên đồng tiền Trung Quốc.
Becky Liu, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered ước tính việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc này sẽ chỉ giải phóng khoảng 16 tỷ USD thanh khoản bằng đồng USD. Bà cho biết, tác động của động thái này chủ yếu là báo hiệu quyết tâm của Ngân hàng trung ương trong việc hỗ trợ đồng Nhân dân tệ.
Sean Callow, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Westpac cho biết: “Đây là một cuộc chiến rất khó khăn đối với chính quyền Trung Quốc nhằm khôi phục niềm tin vào đồng nội tệ trong bối cảnh sự kết hợp giữa đồng USD phục hồi và dữ liệu nội địa yếu kém từ lĩnh vực bất động sản”.
Các nhà phân tích cho biết các động thái này của cơ quan quản lý nhằm giảm yêu cầu trả trước tối thiểu đối với việc mua nhà thứ nhất và thứ hai cũng như cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay thế chấp hiện tại là quan trọng. John Lam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản Trung Quốc và Hồng Kông tại UBS cho biết, điều này có thể giúp củng cố kỳ vọng về giá bất động sản ở các thành phố lớn.
Ông cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: “Việc nới lỏng chính sách quốc gia như thế này có thể giúp khôi phục kỳ vọng của người mua nhà về giá bất động sản, đặc biệt là ở các thành phố cấp 1”.
Nomura cho biết các biện pháp này có thể mang lại “1 khoảng hồi sức ngắn ngủi” cho thị trường nhà đất nhưng tác động có thể ngắn hạn do các hạn chế khác đối với giao dịch nhà ở và nguồn cung đất đai vẫn được áp dụng ở các thành phố lớn.
Các yếu tố khác, bao gồm xuất khẩu giảm, địa chính trị và niềm tin suy yếu, cũng sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng. Nomura cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, mặc dù các biện pháp nới lỏng này rất được hoan nghênh nhưng chúng chắc chắn không đủ để xoay chuyển tình thế hoàn toàn”. “Bắc Kinh có thể phải đưa ra các biện pháp nới lỏng bất động sản mạnh mẽ hơn để mang lại sự phục hồi thực sự.”
(Nguồn: FT)