Nhân Ngày Quốc khánh 2/9: Thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả cách mạng, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi này của Người đã được toàn dân hưởng ứng, tạo thành một sức mạnh to lớn để dân tộc ta vượt qua những khó khăn và giành thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Sự cần thiết của thi đua trong chế độ xã hội chủ nghĩa
Sinh thời, Các Mác đánh giá cao vai trò của sự hiệp tác trong lao động, bởi nó tạo ra sức mạnh tập thể lớn hơn sức mạnh của từng lao động cá nhân cộng lại. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (2/1848), Các Mác khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" (1).
Nói về tầm quan trọng của phong trào thi đua, trong bài “Tổ chức thi đua như thế nào” được viết năm 1918, V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại, lần đầu tiên, đã tạo ra khả nǎng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, với một quy mô thật sự to lớn, tạo ra khả năng thu hút thật sự đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình, phát hiện những tài năng nhân dân sẵn có cả một nguồn vô tận, những tài năng mà chủ nghĩa tư bản đã giày xéo, đè nén, bóp nghẹt mất hàng nghìn hàng triệu. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay, khi chính phủ xã hội chủ nghĩa đang cầm quyền, là phải tổ chức thi đua”(2).
Trong “Sáng kiến vĩ đại” được viết năm 1919, V.I.Lênin nhận định: “Chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là năng suất lao động cao hơn (so với năng suất lao động dưới chế độ tư bản) của những công nhân tự nguyện tự giác, liên hợp với nhau, sử dụng kỹ thuật hiện đại” (3). Để làm được điều này, V.I.Lênin cho rằng cần phải tổ chức thi đua. Thi đua xã hội chủ nghĩa ra đời trên cơ sở lao động tập thể, trên cơ sở những quan hệ tương trợ và hợp tác, đoàn kết theo tinh thần đồng chí, nhằm giúp đỡ những người lạc hậu dần dần tiến lên ngang những người tiên tiến, nâng cao trình độ văn hóa và trình độ sinh hoạt tinh thần của mọi người.
Chức năng chủ yếu của thi đua xã hội chủ nghĩa là chức năng kinh tế: nâng cao hiệu suất của sản xuất xã hội, đạt những kết quả cuối cùng cao nhất của nền kinh tế quốc dân, đạt năng suất lao động cao hơn, tổ chức lao động một cách khoa học v.v.. V.I.Lênin khẳng định: “Xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới… Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn và sẽ bị đánh bại hẳn vì chủ nghĩa xã hội tạo ra năng suất lao động mới cao hơn nhiều" (4).
Trong bài viết “Công trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô” (Báo Nhân Dân, số 53, ngày 10/4/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Người nêu rõ: “Những con kênh trên cộng lại dài 4.500 cây số. Nó sẽ biến 28 triệu mẫu tây ruộng cát thành ruộng tốt, đủ làm cho 100 triệu người ấm no. Nó sẽ cung cấp 22 nghìn triệu kilôoát sức điện, nghĩa là đủ thay thế sức lao động cho 40 triệu người…. Để xây dựng những công trình to tát ấy, tất cả các ngành hoạt động (chính trị, kinh tế, v.v.) và tất cả các ngành khoa học (địa lý, hóa chất, vật lý, máy móc, v.v.) đều liên lạc chặt chẽ và thi đua với nhau. Đồng thời, dùng những thứ máy khổng lồ chưa từng có trên thế giới như máy đào đất mỗi cái thay thế cho 10.000 đến 35.000 công nhân và 15.000 con ngựa, máy đúc xi măng mỗi giờ đúc được 1.000 thước khối....”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định những thành tựu vĩ đại của nhân dân Liên Xô là do “nhân dân Liên Xô thi đua nâng cao năng suất, tiết kiệm thời giờ, sức lao động và vật liệu. Đồng thời, triệt để thực hiện dân chủ, nghĩa là gom góp sáng kiến, phổ biến kinh nghiệm của mọi người, ngăn ngừa tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”.
Phong trào thi đua ái quốc ở nước ta
Là học trò xuất sắc của V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc vai trò to lớn cũng như ý nghĩa quan trọng của hoạt động thi đua, từ đó vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện Việt Nam. Người đã có hơn 200 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng.
Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động “Phong trào thi đua ái quốc” nhằm mục đích: “Ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể việc làm của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ. Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”(5).
Ðể triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Người kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Người khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Trong bài viết “Công trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô” (Báo Nhân Dân, số 53, ngày 10/4/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Là mỗi người làm hết năng lực của mình, mỗi người được hưởng theo năng suất của mình. Chủ nghĩa cộng sản là gì? Là mỗi người làm hết năng lực của mình, mỗi người được hưởng theo sự cần dùng của mình. Muốn đi đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản, thì phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, để sản xuất thật đầy đủ, thật dồi dào tất cả những thứ cần cho đời sống của mỗi người”.
Để tổng kết phong trào thi đua chiến đấu và sản xuất phát động từ năm 1948, Chính phủ ta quyết định triệu tập Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu. Đại hội họp từ ngày 1 đến ngày 6/5/1952 với 154 chiến sĩ tiêu biểu cho các ngành công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc. Đại hội đã bầu được 7 anh hùng chiến sĩ thi đua: Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Nguyến Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh. Đại hội là sự động viên kịp thời đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong giai đoạn mới - giai đoạn tổng phản công và đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, các ngành, các giới một cách toàn diện. Đó là phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; phong trào “Trống Bắc Lý” trong giáo dục.
Bên cạnh đó là phong trào “Ba nhất” trong quân đội; phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên; phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ; phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”; phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” tại miền Nam, “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” tại miền Bắc...
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Trong thời kỳ đổi mới (1986 đến nay), phong trào thi đua yêu nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và mang tính nhân dân sâu sắc, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”... đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động sản xuất. Đã có hàng vạn đề tài sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan tỏa trong cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.... Tại cột mốc năm 2020, Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới6. Tại mốc năm 2021, Việt Nam thuộc top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới (7). Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy quy mô GDP của Việt Nam năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người của nước ta năm 2022 tương đương 4.110 USD.
Ngày nay, Đảng ta khẳng định cần tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh coi thi đua là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày.
Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (2020), Đảng và Nhà nước ta đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Chú thích
1. C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 628
2. V.I. Lênin: Toàn tập, tập 35, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 234
3. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 25
4. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 25
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 9, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.71
6. TS. Nguyễn Minh Phong – TS. Nguyễn Trần Minh Trí, “Vị thế và cơ đồ kinh tế Việt Nam”, Báo Nhân Dân điện tử, cập nhật ngày 10/1/2021.
7. Ngọc An, “Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất”, Báo Tuổi Trẻ điện tử, cập nhật ngày 1/1/2022.