Ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện các giải pháp để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh
Có thể nói về mặt chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, trong đó đáng chú ý là việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam theo Quyết định số 1604/QĐ- NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam; Quyết định số 34/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 7/1/2019 về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án cũng như Chương trình hành động hướng đến thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon…
Với những đề án, kế hoạch, chỉ thị và chương trình hành động cụ thể, bên cạnh đó là những hướng dẫn cụ thể thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, đây là những cơ sở pháp lý và tiền đề quan trọng để các TCTD mở rộng và phát triển tín dụng xanh. Trong quá trình này, để mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ở góc độ địa phương, ngành ngân hàng thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt 3 giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của NHNN về phát triển tín dụng xanh bằng những chương trình hành động cụ thể gắn với việc thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN và của UBND Thành phố theo hướng đạt được mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh gắn liền với tăng trưởng kinh tế xanh trên địa bàn Thành phố. Trong đó, trên cơ sở các quy định của NHNN và quy định pháp luật có liên quan, các TCTD tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong việc cấp tín dụng và tích hợp nội dung này vào quy trình cấp tín dụng xanh; cũng như sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho các ngành kinh tế trong quá trình thẩm định, đánh giá xét duyệt cho vay; xây dựng và phát triển sản phẩm tín dụng xanh để thuận lợi trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh của Thành phố.
Thứ hai, khai thác và sử dụng vốn an toàn hiệu quả và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế xanh. Trong giai đoạn hiện nay, các dự án xanh thường có nhu cầu vốn lớn và thời gian trung dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hoặc công nghệ sạch, xanh… trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Vì vậy, về phía các TCTD cần khai thác và sử dụng vốn hiệu quả hợp lý và phù hợp về cơ cấu kỳ hạn; về lãi suất; về nguồn vốn để đảm bảo an toàn hiệu quả trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh. Đồng thời mở rộng, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay từ các định chế tài chính nước ngoài trong chương trình phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển thị trường tín chỉ carbon…
Thứ ba, làm tốt công tác thông tin truyền thông. Đây là giải pháp quan trọng và mang lại nhiều ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển tín dụng xanh. Trên tinh thần là nhiệm vụ của toàn ngành ngân hàng thành phố, với 2 mục tiêu cần đạt được và cần quán triệt đó là: nhận thức tầm quan trọng và vai trò ý nghĩa của tín dụng xanh, sự cần thiết mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh, phù hợp xu hướng thời đại mà còn là động lực để hoạt động tín dụng ngân hàng tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo dư địa cho tăng trưởng và hỗ trợ giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, cần thông tin truyền thông về trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng trong thực hiện giải pháp phát triển tín dụng xanh, trong việc thông tin tư vấn cho khách hàng… từ đó, nhận thức vai trò trách nhiệm xã hội trong thực hiện các giải pháp liên quan đến hoạt động của nền kinh tế xanh, tạo thuận lợi và hiệu ứng chung không chỉ thực hiện tốt việc phát triển tín dụng xanh mà còn đối với các chương trình phát triển kinh tế xanh của đất nước.
Giải pháp này cần thực hiện thường xuyên liên tục, kết hợp thông tin truyền thông với hành động cụ thể, việc làm cụ thể. Trước mắt, cần tăng cường thực hiện những hoạt động đầu tiên, ấn tượng và đơn giản trong quá trình về xây dựng và phát triển ngân hàng xanh theo đúng nghĩa hẹp của mô hình “ngân hàng xanh”với công việc cụ thể, thiết thực như: cải thiện môi trường làm việc từ hệ thống cây xanh, cây cảnh đến việc sử dụng trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và hành động của mỗi cán bộ nhân viên về những vấn đề này.