Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Chìa khóa để thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững
Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, thiên tai và cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á, Việt Nam xác định phát triển kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc và đạt mục tiêu tăng trưởng xanh là yêu cầu sống còn.
Xu thế tất yếu để phát triển bền vững
Bước vào thế kỷ 21, trước những diễn biến cực đoan của khí hậu, thế giới ngày càng quan tâm hơn tới môi trường, khí thải nhà kính, mực nước biển dâng. Người dân không chỉ muốn được hít thở không khí trong lành, uống nước sạch mà còn yêu cầu được sử dụng các dịch vụ, hàng hóa không làm hủy hoại môi trường. Các thị trường tài chính đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch này và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng. Vào năm 2007, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu phát hành 600 triệu Euro trái phiếu xanh (green bond) đầu tiên đầu tư cho năng lượng tái tạo, tiếp đó Ngân hàng Thế giới năm 2008, Công ty Tài chính Quốc tế IFC năm 2010 bắt đầu phát hành trái phiếu xanh cố định lãi suất cho các nhà đầu tư.
Theo đánh giá của Climate Bonds Initiative (CBI), năm 2020, khoảng 2.000 tỷ đô-la Mỹ trái phiếu xanh đã được phát hành, bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu và dự kiến tới năm 2025 năm sẽ là 5.000 tỷ đô-la. Trái phiếu xanh chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, vận tải zero carbon, xử lý rác thải... Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức và Hà Lan là 5 quốc gia phát hành nhiều trái phiếu xanh nhất. Thực tế là, bên cạnh trái phiếu xanh còn có các trái phiếu khí hậu, trái phiếu xã hội, trái phiếu môi trường, trái phiếu phát triển bền vững và trái phiếu các dự án bảo vệ thiên nhiên, xã hội và quản trị công (ESG).
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Theo kịch bản mực nước biển dâng thêm 1 mét, Việt Nam sẽ có thể bị mất 5% diện tích đất đai. Đặc biệt, hiện tượng xói lở ven sông, ven biển, sụt lún ngày càng nghiêm trọng. Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường 10 năm 2012 - 2022 cho thấy, tốc độ sụt lún trung bình ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhanh hơn gấp từ 3 đến 10 lần so với nước biển dâng, làm cho ĐBSCL chìm dần do cả sụt lún đất và nước biển dâng. Nhiều chuyên gia về khí hậu cho rằng, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp lên GDP Việt Nam sẽ tương ứng là 4,5% và 6,7%, cộng thêm các thiệt hại gián tiếp khác, có thể lên tới 30% vào năm 2050.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và biến đối khí hậu với cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về nền kinh tế “zero” khí thải nhà kính vào năm 2050 tại COP26.
Tại Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon” diễn ra ngày 6/9, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon sẽ là những ưu tiên cần thực hiện ngay.
Thúc đẩy tài chính xanh: Khó khăn chồng chất
Tài chính xanh có thể được coi là cách tiếp cận chiến lược của ngành tài chính để đáp ứng những thách thức của biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi sang một thế giới carbon thấp. Tài chính xanh bao gồm một loạt các sản phẩm tài chính và dịch vụ, có thể được chia rộng rãi thành ngân hàng, các sản phẩm đầu tư và bảo hiểm như tín dụng xanh, vay xanh,trái phiếu xanh,...
Tín dụng xanh cung cấp các công cụ nợ với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường, ví dụ như cho vay xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững... Tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả, có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải của ngành nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Vay xanh là các khoản vay mà người vay cam kết sử dụng vốn để đầu tư vào các dự án có lợi ích môi trường, như nâng cao hiệu suất năng lượng hoặc xây dựng hạ tầng xanh. Phân bổ nhiều khoản cho vay xanh vào danh mục hơn có thể làm giảm nợ xấu của các ngân hàng. Những người đi vay có hiệu suất môi trường cao được đánh giá là có mức độ phơi nhiễm với rủi ro khí hậu thấp hơn, dẫn đến rủi ro vỡ nợ thấp hơn, nhận được lãi vay thấp hơn.
Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho dự án xanh - được ban hành kèm theo các điều khoản đặc biệt về cơ chế trả nợ, truy đòi hoặc miễn truy đòi từ tổ chức phát hành. Để quản lý nguồn tiền thu được từ trái phiếu xanh dùng đúng mục đích, các dự án này cần được kiểm tra và giám sát bởi các bên thứ ba uy tín. Lãi suất của trái phiếu xanh có thể được thiết kế theo cách liên kết đến lạm phát hay một chỉ số xanh. Các nghiên cứu cho thấy trái phiếu xanh có rủi ro thanh khoản thấp hơn và việc phát hành trái phiếu xanh có hiệu ứng lan tỏa tích cực đến giá và thanh khoản của cổ phiếu.
Tuy vậy, tài chính xanh đang gặp rất nhiều khó khăn khi các công nghệ phát thải thấp và đắt đỏ, các dự án chuyển đổi xanh có thể hàm ẩn rủi ro cao vì thời gian hoàn vốn dài, đi cùng với tính không chắc chắn trong khả năng tạo ra dòng tiền tương lai. Để khuyến khích phát triển cần duy trì một mức chi phí vốn thấp chảy về cho các dự án này. Do khoản chênh lệch này quá lớn, các dự án rủi ro cao, thời gian hoàn vốn dài trong khi huy động vốn ngắn và trung hạn dẫn đến tâm lý ngại cho vay từ phía ngân hàng.
Do đó, ngân hàng phải ràng buộc từ quản trị rủi ro và duy trì ổn định tài chính của nền kinh tế. Bằng chứng cho thấy các dự án điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn vừa qua đã khiến một khoản vốn lớn tồn đọng và có nguy cơ trở thành nợ xấu. Điều này khiến tín dụng xanh (ngay cả khi đã cộng các dự án có vẻ lệch chuẩn như các dự án nông nghiệp hữu cơ) mới đạt 4% tổng dư nợ của các ngân hàng.
Đối với trái phiếu xanh, rào cản chi phí đang là một thách thức lớn, bao gồm chi phí tư vấn, xếp hạng tín nhiệm và chứng nhận dự án xanh hiện còn cao, làm giảm động lực phát hành. Các vấn đề cấu trúc thị trường như thiếu dịch vụ xếp hạng tín dụng, sàn giao dịch chưa phát triển, thiếu bộ khung quy định cùng sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư tổ chức, dẫn đến hầu hết các đợt phát hành đều phải tìm đến nước ngoài hoặc có sự hỗ trợ tài chính từ tổ chức nước ngoài.
Hệ thống pháp luật về tài chính xanh tại Việt Nam đã được quan tâm và xây dựng sau khi Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành năm 2014. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một số nghị định, thông tư khuyến khích phát triển tài chính xanh, để tài chính xanh thật sự là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển xanh, phát triển bền vững, cả từ khu vực tài chính công, các định chế tài chính lớn cũng như từ khu vực tư, các tổ chức tài chính vi mô.
TS. Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội khóa XIII đánh giá, nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về tài chính xanh ở nước ta còn khá hạn chế. Chính sách, luật pháp chưa thực sự khuyến khích, ưu đãi phát triển tài chính xanh, các sản phẩm tài chính xanh chưa phong phú, chưa thật sự hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh... Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh, xác định những cơ hội và thách thức về tài chính xanh là rất cần thiết để dần chuyển từ nhận thức thành tự giác ưu tiên sử dụng các sản phẩm, công nghệ xanh.
Để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, TS. Trần Văn cho rằng cần tập trung vào 3 nhiệm vụ gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hoá sản xuất; đồng thời xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Tín chỉ carbon: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trong một báo cáo năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam cần triển khai nhiều chính sách và đầu tư công và tư để giảm cường độ carbon trong tăng trưởng. WB ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ đô la và thêm 114 tỷ đô la cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng sẽ cần bổ sung đầu tư công bằng nhiều cải cách chính sách để thu hút đầu tư tư nhân. Thuế carbon hoặc các quy định hình thành hệ thống mua bán khí thải sẽ là chìa khóa để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển và khí hậu đầy tham vọng.
TS. Trương An Hà, chuyên gia nghiên cứu Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) nhận định: Việc xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá tín chỉ carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường tín chỉ carbon trên thế giới và trong khu vực, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hơn nữa, thị trường tín chỉ carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Điều này góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đầu tư chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất. Thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, ví dụ như Hiệp định tự do thương mại EU - Việt Nam. Thị trường tín chỉ carbon cũng sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như Liên minh Châu Âu. (WB - Phát triển các công cụ định giá carbon tại Việt Nam, tháng 11/2021).
Tuy nhiên, theo đề án Phát triển thị trường tín chỉ carbon do Bộ Tài chính dự thảo thì sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Giá tín chỉ carbon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa với giá tín chỉ giao dịch tại EU hay Mỹ. Thực tế hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp.
Để thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho rằng ngoài nỗ lực của Chính phủ, cần sự đồng hành của toàn thể cộng đồng, doanh nghiệp và người dân tổ chức thực hiện tốt 3 giải pháp chính gồm: xây dựng thể chế; xây dựng thiết chế và triển khai thực hiện.
Theo đó, về xây dựng thể chế, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng cần thực hiện một cách đồng bộ. Cụ thể, Bộ Tài chính sớm trình, ban hành Đề án để tạo lập chính thức sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon và quy định rõ về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; đánh thuế carbon. Bộ Tài nguyên &Môi trường hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với các quy định, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Các Bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải… xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các thông tin dữ liệu này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc xây dựng được các kế hoạch đầu tư của mình, thậm chí trong tương lai có thể tính toán được nguồn thu từ việc bán các tín chỉ carbon.
Về xây dựng thiết chế, cần xây dựng cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm để quản lý thị trường giao dịch tín chỉ carbon, kể cả các sàn giao dịch để thống nhất quản lý về Nhà nước. Ngoài ra nếu áp dụng đánh thuế carbon để tăng nguồn thu ngân sách, bù đắp cho quỹ tài chính xanh thì cần giao cụ thể cho cơ quan nào nghiên cứu và cơ quan nào thực hiện nội dung này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện cần có quy định cụ thể vềc ông cụ định giá carbon; xây dựng hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV (measurable, reportable and verifiable - đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế, xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…; bổ sung nguồn lực từ cấp trung ương tới các địa phương để phát triển các dự án xanh mang tính chất định hướng, dẫn dắt thị trường đầu tư; tranh thủ nguồn lực quốc tế hỗ trợ qua quỹ tín dụng xanh và áp dụng công nghệ cũng như quy trình quản lý tiên tiến; hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan có cơ hội được tiếp cận thông tin, kỹ thuật áp dụng để chủ động sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam, từ đó gắn việc sản xuất với xác định lượng phát thải; xây dựng và công bố lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn để có kế hoạch khả thi triển khai thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ như thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược... của từng ngành/ lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh, góp phần bổ sung thêm nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước nhằm triển khai các dự án xanh...
Các giải pháp đồng bộ như vậy sẽ giúp Việt Nam vừa có thể đảm bảo tính khả thi về nguồn lực tài chính, vừa đồng bộ các chính sách để phát triển nền kinh tế xanh bền vững; đồng thời có thể tranh thủ được kỹ nghệ, phương pháp quản lý và dòng tài chính từ các nước phát triển đã cam kết hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải, hướng tới hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050.