Nhìn ra thế giới

Thương mại Trung Quốc bất ngờ cải thiện

Ngọc Diệp 08/09/2023 - 08:20

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đã hạ giá hàng hóa xuất khẩu trong những tháng gần đây bởi nguồn cung tăng lên và nhu cầu nước ngoài yếu, theo công ty nghiên cứu Capital Economics.

Tình trạng suy giảm thương mại của Trung Quốc đã dịu đi trong tháng 8/2023, tuy nhiên các chuyên gia phân tích khẳng định rằng đó là kết quả của sự hỗ trợ từ chính sách không phải do nhu cầu phục hồi tại nội địa cũng như ở nước ngoài.

Dữ liệu về xuất khẩu Trung Quốc được công bố trong bối cảnh một số ngân hàng cho vay lớn của Trung Quốc vừa thông báo về quyết định hạ lãi suất với các khoản thế chấp hiện tại, đây là động thái mới nhất trong nhiều biện pháp mà trước đây Bắc Kinh đã công bố để hỗ trợ nền kinh tế vốn chịu ảnh hưởng bởi sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản.

Hải quan Trung Quốc vừa công bố xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 284,9 tỷ USD, tháng 7 chỉ tiêu này giảm 14,5%. Trước đó, các chuyên gia Reuters từng dự báo xuất khẩu Trung Quốc giảm 9,2% trong tháng 8/2023.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đã hạ giá hàng hóa xuất khẩu trong những tháng gần đây bởi nguồn cung tăng lên và nhu cầu nước ngoài yếu, theo công ty nghiên cứu Capital Economics.

“Chúng tôi dự báo xuất khẩu sẽ giảm đi trong những tháng tới trước khi lập đáy trước thời điểm cuối năm”, Capital Economics cho biết sau khi báo cáo về xuất khẩu được công bố.

Số liệu thương mại tháng 8/2023 của Trung Quốc cho thấy sự cải thiện nhất định của các chỉ số thương mại, dù số liệu này vẫn cho thấy sản xuất sụt giảm.

So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu của Trung Quốc tháng 8/2023 giảm 7,3% xuống 216,5 tỷ USD, trong khi các chuyên gia Reuters từng dự báo về mức giảm 9%.

Việc nhập khẩu của Trung Quốc giảm tiếp nối cho chuỗi thời gian suy giảm liên tục bắt đầu từ tháng 10/2022, hoạt động kinh tế nội địa suy giảm làm tổn hại nhu cầu với hàng hóa từ nước ngoài.

Các chuyên gia phân tích thuộc Capital Economics dự báo nhập khẩu nhiều khả năng sẽ tăng lên trong những tháng cuối cùng của năm khi có những diễn biến tích cực với các dự án nhà ở hiện tại và chi tiêu vào cơ sở hạ tầng tăng. Ngoài ra, kết hợp với việc nhu cầu đi lại quốc tế, ra vào Trung Quốc tăng lên, nhu cầu hàng hóa cũng sẽ tăng theo.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, nhu cầu của toàn cầu với các sản phẩm nhôm, đất hiếm, thiết bị xử lý dữ liệu tự động đi xuống đã gây sức ép lên xuất khẩu của Trung Quốc, kéo xuất khẩu Trung Quốc giảm 5,6%. Tuy nhiên xuất khẩu của Trung Quốc lại có “lực đỡ” từ việc xuất khẩu sản phẩm ô tô và xăng dầu tăng mạnh.

Nhập khẩu trong cùng khoảng thời gian trên giảm 7,6% bởi nhu cầu với màn hình LCD và sản phẩm thép cũng như nhiều loại hàng hóa khác giảm.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang một số thị trường quan trọng như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu sự suy giảm với mức hạ lần lượt 17,4% và 10,5%, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á hạ 3,6%.

Nhập khẩu từ các khu vực vào Trung Quốc cũng giảm, đặc biệt phải kể đến nhập khẩu từ Nhật giảm đến 16,7% bởi Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật sau vụ việc liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Theo Financial Times, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại tạo ra nhiều lo ngại về khả năng tác động lây lan tại châu Á khi nhu cầu tiêu dùng yếu đi và sản xuất chững lại.

Ngọc Diệp