Doanh nghiệp ngành gỗ vẫn ngóng hoàn thuế
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, thời gian qua Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác hoàn thuế, tuy nhiên theo các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, vấn đề vướng mắc là yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ đến từng người trồng rừng do Tổng cục Thuế ban hành tại các công văn nghiệp vụ vẫn đang hiện hữu.
Công văn làm khó doanh nghiệp
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa có văn bản gửi đích thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội xem xét và tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo VIFOREST, nhiều DN hội viên của VIFOREST đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế GTGT mà nguyên nhân chủ yếu từ 2 công văn của Tổng cục Thuế
Cụ thể, theo Công văn 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 về việc giải quyết hoàn thuế gửi cục thuế các tỉnh và thành phố. Tổng cục Thuế hướng dẫn:“Khi thực hiện thanh tra, cục Thuế phải chủ động phối hợp với Cơ quan Công an và các cơ quan chức năng khác trên địa bàn: Hải quan, Biên phòng, Kiểm lâm… trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ……” ;“Đối với hàng hóa có nguồn gốc thu mua trực tiếp từ người dân theo bảng kê hàng hóa, phải thực hiện xác minh trực tiếp đến từng người dân theo yếu tố rủi ro. Khi thực hiện kiểm tra về phương tiện vận chuyển, thì phải đối chiếu giữa lịch trình di chuyển của từng xe, theo từng lái xe...”.
Công văn 633/TCT-TTK ngày 7/3/2022, về thanh tra, kiểm tra DN có rủi ro về hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế tiếp tục hướng dẫn: “Đối với đầu vào của DN hoàn thuế: Việc triển khai công tác thanh tra/kiểm tra các DN F0 cần tập trung đối chiếu, xác minh, làm rõ những dấu hiệu sai phạm (nếu có) về hoàn thuế GTGT của các DN qua các khâu từ F1, F2, F3...đến khâu cuối theo hướng dẫn tại các văn bản của Tổng cục Thuế….” ; “Đối với đầu ra: Tập trung rà soát, xác minh các nội dung rủi ro liên quan tới hoạt động xuất khẩu (Hồ sơ hải quan, thanh toán qua ngân hàng, xác minh thông tin về các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài….) qua kiểm tra, rà soát phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế...”.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST, một số điểm bất cập tại các công văn này đang gây khó khăn cho DN cũng như cho cục thuế các tỉnh/thành phố khi triển khai thực hiện…
Công văn có trái Thông tư ?
Trong Công văn 8187/BNN-TCLN2 ngày 5/12/2022 của Bộ NN&PTNT gửi Bộ Tài chính về tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế GTGT cho DN ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản, Bộ NN&PTNT dẫn quy định tại các Điều 15, 16 và 20 Thông tư 27/2018/TT BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, và khẳng định gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước.
“Như vậy, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp”.- Văn bản của Bộ NN&PTNT khẳng định.
Tại văn bản này, Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh việc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khi phát hiện một loại sản phẩm gỗ (ván dán) có rủi ro trong hoàn thuế GTGT mà đưa tất cả các loại sản phẩm gỗ khác vào danh mục rủi ro là không thỏa đáng.
Cụ thể, Công văn của Bộ NN&PTNT nêu rõ Công văn 2124/CT-TTKT của Tổng cục Thuế xác định các DN và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT, trong đó chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán. Tuy nhiên, hiện nay, các DN chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT”.
Mới gỡ phần ngọn…
Liên quan đến câu chuyện hoàn thuế của DN ngành gỗ, hồi tháng 3/2023 Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã có Báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các DN, hiệp hội quý I/2023.
Tại Văn bản này Ban IV kiến nghị Bộ Tài chính cần có quy định để phân loại DN trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT theo hướng: Đối với các DN hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh, thì cho phép DN hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) để không bị gián đoạn sản xuất. Dựa trên kết quả kiểm tra sau, xử phạt nghiêm các DN vi phạm để phân biệt và không làm ảnh hưởng đến các DN chấp hành tốt pháp luật; Đối với DN mới thành lập, DN sản xuất các mặt hàng có tính rủi ro cao, thì thực hiện kiểm tra, xác minh trước sau đó mới tiến hành hoàn thuế.
Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng phối hợp đánh giá lại khâu nguy cơ cao về gian lận thuế trong chuỗi để giám sát tập trung; xem xét làm rõ trách nhiệm của từng DN/hộ kinh doanh trong chuỗi và hình thức xử phạt với các DN/hộ kinh doanh trực tiếp vi phạm thay vì dồn chế tài vào DN ở khâu sản xuất cuối cùng.
Tại Công điện 470/CĐ- TTg ngày 26/5/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, DN, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, DN (hoàn thành trước 28/5/2023)...”.
Ngay trong ngày có Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công điện triển khai thực hiện.
Ngày 2/6/2023, làm việc với Cục thuế Quảng Ninh, Chi hội Dăm gỗ Việt Nam và các DN đã kiến nghị bãi bỏ các quy định trong trong Công văn 633/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế. Cụ thể DN kiến nghị bỏ việc xác minh nguồn gốc gỗ tới người trồng rừng vì theo quy định tại khoản 5, điều 5 thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, người trồng rừng không phát sinh thuế GTGT
Đồng thời các DN cũng cho rằng Công văn 633/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế cũng đang tồn tại những bất cập như: Thời hạn triển khai quy định theo công văn trên là đến hết tháng 5/2022, nhưng các cục thuế vẫn tiếp tục sử dụng các quy định tại công văn này để làm căn cứ khi gửi công văn xác minh nguồn gốc gỗ; Việc xác định đầu vào và đầu ra của các DN có hồ sơ hoàn thuế GTGT tới tận người trồng rừng/người nhập khẩu sẽ mất rất nhiều thời gian, cần rất nhiều nguồn lực và không khả thi dẫn đến vi phạm về thời hạn hoàn thuế.
Bên cạnh đó, việc xác minh tính chính xác của nhà nhập khẩu nước ngoài cũng gây hoang mang cho khách hàng nhập phẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của DN trong nước.
Ngoài ra. việc xác minh đầu vào truy xuất tới người trồng rừng theo quy định tại Công văn 633/TCT-TTKT là trái với Khoản 1, Điều 59 của Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định “Chủ rừng tự quyết định việc khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình”.
Sau cuộc họp này, Cục thuế Quảng Ninh đã có công văn 6301/CTQNI-KK ngày 22/6/2023 báo cáo vướng mắc về việc hoàn thuế GTGT gửi UBND tỉnh Quảng Ninh và Công văn 5509/CTQNI-KK gửi Tổng cục Thuế đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung công văn 633/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế…
Thế nhưng, ngày 9/8/2023, Tổng cục Thuế tiếp tục có công điện 07/CĐ-TCT về đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT trong đó lưu ý “Tiếp tục sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là các hồ sơ của các DN xuất khẩu ...”.
“Như vậy, mặc dù đã có rất nhiều chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và nhiều đề xuất và kiến nghị của Bộ NN&PTNT, VIFOREST và các chi hội trực thuộc và các cục thuế địa phương, nhưng cho tới nay các DN ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế. Việc DN không được hoàn thuế chủ yếu do sự bất cập trong quy định tại Công văn 2124/TCT-TTKT và Công văn 633/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế…”- Chủ tịch VIFOREST bức xúc.
Cùng theo Chủ tịch VIFOREST, ngoài các bất cập đã nêu trên, hiện hai công văn còn có dấu hiệu trái với các văn bản quy phạm pháp luật, vì: các công văn này buộc tất cả các cục thuế và chi cục thuế tại các địa phương phải tuân theo hướng dẫn nghiệp vụ thanh/kiểm tra trong Tổng cục Thuế; Thời hạn hiệu lực của Công văn 633/TCT-TTKT đã hết, nhưng vẫn sử dụng làm căn cứ trích dẫn trong các văn bản xác minh nguồn gốc của các cục thuế và chi cục thuế gửi các bên liên quan.
“Vì vậy, nếu các công văn này không được bãi bỏ/sửa đổi, bổ sung thì các vướng mắc trong hoàn thuế sẽ không được giải quyết triệt để…” Chủ tịch VIFORESR thẳng thắn bày tỏ.
Theo thông tin công bố của VIFOREST hồi tháng 6, thống kê sơ bộ của VIFOREST, cho thấy, số tiền thuế GTGT DN chế biến – xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là 6,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các DN xuất khẩu dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng (riêng với 11 DN xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5/2023 là 1.105 tỷ đồng); các DN hội viên Chi hội Gỗ dán cũng chưa được hoàn thuế trên 500 tỷ đồng; số còn lại khoảng 1,6 nghìn tỷ các DN viên nén và chế biến xuất khẩu các sản phẩm gỗ khác.