Nhìn ra thế giới

Kinh tế Trung Quốc bất ngờ đón nhiều thông tin tích cực

Ngọc Diệp 12/09/2023 - 09:52

Nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc bao gồm việc hạ lãi suất chính sách, lãi suất thế chấp và tỷ lệ chi trả ban đầu của người dân khi mua nhà nhiều khả năng sẽ giúp cho quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Nhu cầu tín dụng tại Trung Quốc cải thiện, áp lực giảm phát hạ nhiệt và đồng nhân dân tệ tăng giá, đây là loạt dấu hiệu cho thấy nền kinh tế và các thị trường tài chính tại Trung Quốc có thể đang bình ổn sau khoảng thời gian suy giảm mạnh.

Số liệu tín dụng tích cực công bố vào ngày thứ Hai cho thấy những biện pháp gần đây của giới chức Trung Quốc có thể đang làm tăng nhu cầu với vay thế chấp của các hộ gia đình, cùng lúc đó, tín dụng doanh nghiệp đồng thời tăng trưởng. Đồng nhân dân tệ tăng giá sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tăng cường biện pháp bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Những yếu tố này đã bổ sung thêm các dấu hiệu tích cực sau loạt thông tin được công bố cuối tuần qua, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2023 tăng sau khi giảm trong tháng 7/2023, dù rằng mức tăng mới chỉ ở ngưỡng hạn chế. Giảm phát chỉ số giá cả sản xuất cũng hạ nhiệt.

“Các biện pháp chính sách giúp cho nền kinh tế bình ổn. Câu hỏi then chốt ở đây là bằng cách nào duy trì được động lực kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Pinpoint Asset Management – ông Zhang Zhiwei nói.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chật vật tăng trưởng trở lại sau khoảng thời gian cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin không khỏi cản trở đà phục hồi, tạo ra rủi ro với mục tiêu tăng trưởng GDP 5% mà chính phủ Trung Quốc đã đề ra. Việc số liệu kinh tế Trung Quốc cải thiện cho thấy khoảng thời gian tháng 7/2023 với loại chỉ số kinh tế bi quan nhất trong 14 năm có thể đã là đáy suy giảm.

Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng 0,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, chính thức chấm dứt chuỗi giảm điểm bốn phiên liên tiếp. Đồng nhân dân tệ tăng giá sau khi rơi xuống ngưỡng thấp nhất tính từ năm 2007 so với đồng USD.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra tuyên bố chính sách cứng rắn đồng thời nhấn mạnh đến việc sẽ giữ được tỷ giá đồng nhân dân tệ ở ngưỡng ổn định.

Nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc bao gồm việc hạ lãi suất chính sách, lãi suất thế chấp và tỷ lệ chi trả ban đầu của người dân khi mua nhà nhiều khả năng sẽ giúp cho quá trình phục hồi của nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs ước tính các biện pháp chính sách thông báo cho đến nay tạo ra ảnh hưởng giúp làm tăng ước tính khoảng 0,6% GDP.

Giờ đây, điều mà thị trường quan tâm chính là liệu lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có hồi phục và từ đó khôi phục niềm tin nói chung trong nền kinh tế hay không.

Trong nghiên cứu công bố vào ngày Chủ Nhật, các chuyên gia Goldman Sachs phân tích các chính sách gần đây của chính phủ Trung Quốc có thể tạo ra sự phục hồi ngắn hạn trong các giao dịch bất động sản, tuy nhiên không đủ để bình ổn thị trường này.

Chuyên gia Goldman Sachs dự báo sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng, trong đó có bao gồm việc hạ lãi suất cũng như áp dụng biện pháp để khôi phục thị trường bất động sản nếu như doanh số bán nhà tiếp tục giảm còn tăng trưởng kinh tế chững lại hơn nữa.

“Số liệu tín dụng Trung Quốc tháng 8/2023 tốt hơn so với kỳ vọng cho thấy các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ có thể đang phát huy tác dụng, tuy nhiên về dài hạn, việc lãi suất vay áp dụng với doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm đi cho thấy nhu cầu của lĩnh vực tư nhân còn chưa phục hồi bất chấp dấu hiệu cho thấy sản xuất và thương mại lập đáy suy giảm”, chuyên gia kinh tế thuộc Bloomberg Economics – ông Eric Zhu phân tích.

Dù rằng các khoản tín dụng trung và dài hạn của các hộ gia đình, chỉ báo quan trọng về hoạt động vay thế chấp, tăng trưởng trong tháng 8/2023 sau khi suy giảm trong tháng 7/2023, nhưng vẫn thấp hơn so với ngưỡng của tháng 8/2022 cũng như ngưỡng trước đại dịch COVID-19.

Chính quyền nhiều địa phương tăng cường vay nợ trong tháng 8/2023 để tăng chi tiêu vào các dự án hạ tầng. Dù rằng điều này có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế nhưng cũng gây ra áp lực lên các thị trường tài chính và có thể khiến cho chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn nữa.

Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ đang hạ nhiệt sau khi hồi phục vào đầu năm nay. Như vậy sẽ cần đến các biện pháp hỗ trợ chính sách để tăng cường chi tiêu của các hộ gia đình.

Áp lực giảm phát trong nền kinh tế cũng không hoàn toàn biến mất. Chỉ số giá tiêu dùng hiện vẫn tăng trưởng ở dưới mức mục tiêu 3% của chính phủ Trung Quốc.

"Tuyên bố của PBOC vào ngày thứ Hai về việc bảo vệ tỷ giá đồng nhân dân tệ nhấn mạnh đến việc sẽ không đứng ngoài thị trường là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo cho tâm lý của nhà đầu tư”, chuyên gia kinh tế vĩ mô tại công ty chứng khoán TD – ông Alex Loo phân tích.

Ngọc Diệp