Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á
Khoảng 300.000 việc làm sẽ "dịch chuyển" từ Trung Quốc sang Việt Nam; kinh tế Việt Nam đang bùng nổ; có quá nhiều công ty đang đến Việt Nam; Việt Nam là đối tác đáng tin cậy để xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn,... là một số nhận định của các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam trong một bài viết mới đây trên website tin tức và thông tin tài chính của CNN.
Đối tác công nghệ chủ chốt của Mỹ
Theo CNN, Tổng thống Joe Biden rời Việt Nam hôm thứ Hai sau chuyến thăm làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế giữa Washington và Hà Nội, chính thức nâng cấp quan hệ ngoại giao lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, một động thái mang tính biểu tượng nhưng rất quan trọng nhằm thúc đẩy tham vọng của nước này đối với các công nghệ quan trọng như sản xuất chip.
Các công ty từ Apple (AAPL) đến Intel (INTC) đã tiến sâu hơn vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sử dụng tối đa công suất của nhiều nhà máy ở Việt Nam và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Trong những năm gần đây, thương mại giữa hai nước đã tăng vọt nhờ mối quan hệ đối tác hiện có được thỏa thuận vào năm 2013, do đó, việc nâng cao quan hệ hiện tại chính là nối tiếp mối quan hệ “hai bên cùng có lợi”, ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN và cựu quan chức Mỹ cho biết.
Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ , Hoa Kỳ đã nhập khẩu gần 127,5 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam vào năm 2022, so với 101,9 tỷ USD năm 2021 và 79,6 tỷ USD năm 2020. Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ , tăng từ vị trí thứ 10 hai năm trước đó.
Ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, Nhà Trắng đã công bố mối quan hệ đối tác phát triển hệ sinh thái chip, bán dẫn.
Ông Osius - cựu Đại sứ của Mỹ tại Việt Nam nhiệm kỳ (2014-2017) cho biết, Mỹ cần một đối tác đáng tin cậy để cung cấp chip và Việt Nam có thể làm được điều đó.
Intel - nhà sản xuất chip có trụ sở tại California đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào TP. Hồ Chí Minh. Theo khẳng định của Intel, đây sẽ là nhà máy với công năng sản xuất, thiết kế và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới.
Và ông Osius kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực này khi Washington tăng cường quan hệ với Hà Nội.
Tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đó sẽ tăng lên. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ tăng tốc khi hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ, cựu Đại sứ của Mỹ tại Việt Nam dự đoán.
Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài
CNN trích dẫn tổ chức tài chính Natixis tại Pháp, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm. Trong một báo cáo mới đây, Natixis cho biết, khi phần còn lại của châu Á tăng trưởng thấp, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Đây là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm, thu hút đầu tư nước ngoài.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại từ 8% năm ngoái xuống còn 5,8% do phải đối phó với nhu cầu xuất khẩu từ nước ngoài ít hơn.
Nhưng so sánh với dự báo tăng trưởng toàn cầu là 3% thì Việt Nam vẫn nhanh hơn đáng kể so với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu.
Ông Michael Every, chiến lược gia toàn cầu của Rabobank cho biết, từ góc độ công nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã bùng nổ trong nhiều năm. Mức lương tương đối thấp và dân số trẻ đã mang lại cho Việt Nam lực lượng lao động và cơ sở người tiêu dùng vững chắc giúp thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong một báo cáo năm 2022, Rabobank ước tính khoảng 300.000 việc làm tập trung vào sản xuất công nghệ thấp sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bà Alicia García-Herrero, Phó Tổng Giám đốc phụ trách phát triển và kinh tế của Natixis cho biết, Việt Nam có lợi thế vì là quốc gia đầu tiên trong khu vực xây dựng hệ sinh thái về chuỗi cung ứng. Do vậy, đang “có quá nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam”.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu được ghi nhận vào tháng 3, khi Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN dẫn đầu phái đoàn kinh doanh lớn nhất từ trước đến nay tới Việt Nam. Phái đoàn bao gồm 52 công ty Mỹ, bao gồm cả các tập đoàn lớn như Netflix và Boeing.
Ông Osius cũng chỉ ra việc các nhà đầu tư vẫn còn e ngại về các yếu tố như chính sách pháp luật, cơ sở hạ tầng còn hạn chế…
Dù vậy, Việt Nam vẫn có nhiều ưu điểm và là lựa chọn thay thế giá rẻ cho việc dịch chuyển một phần sản xuất từ một nước khác, bà García-Herrero phân tích.
Chuyên gia phân tích thuộc Ngân hàng Rabobank khẳng định rõ ràng giới chức cầm quyền Mỹ muốn có nhiều thành công về chính sách ngoại giao trước thời điểm năm 2024 bằng việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Nguồn: CNN Business