Chứng khoán

Như chưa hề có phiên chốt lời, VN-Index đóng cửa sát mức cao nhất năm 2023

Mai Hương 12/09/2023 - 17:08

Sau phiên chốt lời, thị trường đã nhanh chóng gỡ lại hết thiệt hại và đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9 sát mức cao nhất của năm 2023. Tâm điểm của dòng tiền là nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Định vị thị trường

Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên hôm nay do chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ. Tại Nhật Bản, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết, có thể xem xét kết thúc lãi suất âm, tuy nhiên chỉ số NIKKEI 225 vẫn có một phiên tăng gần 1%.

Các chỉ số KOSPI (-0,79%), TWSE (-0,86%), CSI 300 (-0,18%) giảm nhẹ. Còn VN-Index đã không ngả theo các chỉ số này, nỗ lực gỡ điểm số diễn ra mạnh mẽ trong phiên chiều giúp ấn tượng xấu về phiên bị chốt lời được trút bỏ. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9 ngay sát mức cao nhất của năm 2023.

Chất xúc tác

Việc tỷ giá trung tâm hôm qua vượt mốc 24.000 VND/USD đã góp phần thúc đẩy nhà đầu tư chốt lời. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá đã không leo thang ở phiên hôm nay. Tỷ giá trung tâm đã giảm 24 đồng xuống 23.981 VND/USD.

Ngoài ra, sự kiện Việt Nam - Mỹ hoàn tất nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện cũng khiến cho tâm lý "tin ra là bán" được nhóm nhà đầu tư lướt sóng tận dụng. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn đánh giá sự kiện lịch sử và sẽ có những tác động tích cực trong dài hạn tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Một số dự án có thể thay đổi bộ mặt nền kinh tế đã được đề cập trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ là: Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD, dự án chip bán dẫn của Amkor trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh.

Những yếu tố tác động vào tâm lý ngắn hạn kể trên đã được khắc phục khá nhanh chóng, đặc biệt sau khi VSD cho biết, tài khoản mở mới đã tăng hơn 3% so với tháng trước (146.000 tài khoản), mức cao nhất của tháng tính trong vòng 1 năm trở lại.

Vận động thị trường

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã được nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm khá sớm từ sáng nay. Tuy nhiên, cần phải sang tới phiên chiều, lực mua lên mới thể hiện sự quyết liệt. Nguyên nhân bởi VN-Index đã đóng cửa thấp nhất trong chiều qua nên các lệnh mua mới trong phiên sáng chỉ mang tính chất thăm dò.

Khi các diễn biến trên thị trường cho thấy người nắm giữ cổ phiếu không có tâm lý hoảng loạn, các mã: SSI (+6,87%), VND (+6,84%), AGR (+6,9%), BSI (+6,99%), CTS (+6,94%), FTS (+6,9%), mới bung sức để tăng trần. SSI đạt giá trị giao dịch cao nhất sàn là 1.295 tỷ đồng. Còn VND đạt 852 tỷ đồng, VIX (+6,74%) đạt 759 tỷ đồng.

Cũng không thể bỏ qua các Bluechips đã thể hiện sự ủng hộ cho thị trường bật lên là: VCB (+1,6%), VIC (+2%), VHM (+1,9%), VRE (+2,8%), cùng các cổ phiếu: MSN (+1,8%), MBB (+2,7%), STB (+2,4%), SHB (+2%), TCB (+2,2%), ACB (+1,8%).

Vận động của nhóm Vingroup với VIC, VHM, VRE vẫn đang thu hút rất nhiều sự quan tâm. VIC sau chuỗi điều chỉnh đang có 2 phiên giao dịch khởi sắc còn VHM và VRE đã có phiên hồi phục đầu tiên. Nếu như thị trường có thể xác thực được nhịp hồi phục của nhóm Vingroup, VN-Index hoàn toàn có thể cải thiện trạng thái điểm số các phiên tới.

Chỉ số đóng cửa phiên hôm nay với mức tăng 21,81 điểm lên 1.245,44 điểm (+1,78%), điểm số ngay sát mức cao nhất của năm 2023. Giá trị giao dịch sàn đạt 22.990 tỷ đồng, tương đương 967 triệu đơn vị.

vnindex129a.png

Độ rộng đạt gần 72% mã tăng giá. Ngoài nhóm chứng khoán và ngân hàng, các cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp, bán lẻ, thép, đầu tư công như: DXG, KBC, DGW, NKG, HSG CII, HHV, LCG, FCN… đều ghi nhận biên độ tăng từ 2-5%.

Sự tích cực của HOSE đã lan tỏa mạnh nhất tới HNX. Chỉ số HNX-Index tăng tới gần 2% lên 256,32 điểm. Các mã MBS (+10%), SHS (+9%), BVS (+6%) đã vượt biên độ của những cổ phiếu chứng khoán trên HOSE.

Còn với UPCoM, vai trò của cổ phiếu chứng khoán không đủ lớn nên chỉ số UPCoM-Index chỉ tăng 0,6%. Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 883 tỷ đồng.

Mai Hương