Kinh tế Trung Quốc có chịu chung số phận như Nhật Bản hay không?
Trong những tháng gần đây, nhiều nhà kinh tế đã nói về khả năng “Nhật Bản hóa” nền kinh tế Trung Quốc.
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã yếu đi trong năm nay sau khi bật tăng trong một thời gian ngắn khi chính quyền chấm dứt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch COVID -19 vào tháng 12 năm ngoái.
Trung Quốc hiện là một ngoại lệ quan trọng trong một thế giới đang vật lộn với vấn đề lạm phát gia tăng. Tại Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,3% trong tháng 7 so với một năm trước trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 4,4%. Đồng thời, thị trường bất động sản trong nước đang yếu đi trong khi tỷ lệ nợ vẫn ở mức khá cao. Điều quan trọng là dân số nước này bắt đầu giảm vào năm ngoái.
Nhìn bề ngoài, các điều kiện ở Trung Quốc giống với Nhật Bản thời kỳ hậu bong bóng. Quan sát này đang tạo ra mối quan tâm đối với câu hỏi hiện nay là liệu nền kinh tế Trung Quốc có chịu chung số phận như Nhật Bản hay không.
Để đánh giá câu hỏi về khả năng “Nhật Bản hóa” nền kinh tế Trung Quốc, điều quan trọng là phải hiểu 3 yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng của Nhật Bản.
Đầu tiên, bong bóng tài sản của Nhật Bản vỡ vào cuối những năm 1980 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này với quy mô ảnh hưởng được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử kinh tế hiện đại.
Sự suy giảm về giá trị của cả khu vực bất động sản và cổ phiếu của Nhật Bản lên tới khoảng 230% tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của nước này. Có thể lấy ví dụ sau để so sánh, mức giảm tương ứng về giá trị tài sản của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là 100% GDP danh nghĩa.
Thứ hai, sự thay đổi về nhân khẩu học đã có tác động rất lớn đến Nhật Bản. Dân số trong độ tuổi lao động của nước này đã giảm 15% kể từ mức đỉnh điểm vào giữa những năm 1990.
Những tác động của vấn đề này lên tăng trưởng GDP khá rõ ràng. Hiện nay, tăng trưởng GDP trung bình trên mỗi người dân trong độ tuổi lao động của Nhật Bản là cao nhất trong số các quốc gia G7 trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chung của Nhật Bản ở mức thấp nhất. Điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế chung, ngay cả khi tăng trưởng năng suất không tệ.
Thứ ba, quy ước xã hội làm nền tảng cho nền kinh tế và xã hội Nhật Bản, vốn nhấn mạnh sự ổn định, đã không còn ăn khớp với tiến trình toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi sự hội nhập của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vào thị trường toàn cầu kể từ đầu những năm 1990.
Tập quán làm việc suốt đời, vẫn còn phổ biến ở Nhật Bản, đã tạo ra xu hướng trì hoãn việc tái phân bổ lao động cần thiết từ các công ty và ngành công nghiệp đang suy thoái sang các công ty và ngành công nghiệp đang phát triển. Điều này đã hạn chế khả năng của các công ty Nhật Bản trong việc tận dụng tối đa lợi ích của toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ.
Nhìn vào triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc dưới góc độ nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản chậm lại, người ta có thể nhận thấy cả sự khác biệt và điểm tương đồng giữa hai tình huống này.
Về tác động của tình trạng vỡ bong bóng của Trung Quốc, chúng ta thực sự không biết bong bóng đó lớn đến mức nào và nó đã vỡ đến mức nào. Sự suy giảm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi tốc độ phản ứng nhanh chóng của các cơ quan chính sách và việc thực hiện các biện pháp cần thiết như tái cấp vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn.
Những biện pháp này có thể không phổ biến và khó thực hiện ở bất kỳ quốc gia nào. Tạo dựng một sự đồng thuận hợp lý có thể là một nhiệm vụ khá khó khăn, đặc biệt là ở các nước dân chủ. Về mặt này, Trung Quốc dường như đang ở vị thế thuận lợi so với Nhật Bản khi chỉ có một Đảng lãnh đạo, tuy nhiên tâm lý công chúng có thể vẫn có tác động.
Đồng thời, Trung Quốc đang ở thế bất lợi vì quy mô quá lớn của mình. Sự hiện diện của Trung Quốc ngày nay trong nền kinh tế và thương mại toàn cầu lớn hơn sự hiện diện của Nhật Bản vào cuối những năm 1990 khi nước này rơi vào khủng hoảng tài chính toàn diện.
Xét về GDP, Trung Quốc ngày nay quan trọng hơn Nhật Bản ngày xưa một chút. Trung Quốc đại diện cho 18% nền kinh tế toàn cầu vào năm ngoái. Con số này so với mức 14% của Nhật Bản vào năm 1997. Xét về thương mại toàn cầu, con số này là 20% đối với Trung Quốc và 7% đối với Nhật Bản vào thời kỳ đỉnh cao.
Khi bong bóng vỡ, Nhật Bản không phải đối mặt với vòng lặp phản hồi nghiêm trọng từ kinh tế toàn cầu. Quả thực, sự bùng nổ kinh tế toàn cầu trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp Nhật Bản cuối cùng thành công trong việc loại bỏ những khoản dư thừa bắt nguồn từ bong bóng trong nước.
Ngược lại, Trung Quốc có thể phải đối mặt với những vấn đề phản hồi nghiêm trọng từ nền kinh tế toàn cầu vì quy mô quá lớn của nước này nếu nền kinh tế của chính nước này bị đình trệ. Trên hết, điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay còn thách thức hơn những gì Nhật Bản phải đối mặt.
Về vấn đề dân số, nhiều người hiểu rằng Trung Quốc đang đi sau Nhật Bản với độ trễ từ 15 đến 20 năm về biến đổi nhân khẩu học. Chúng ta cũng không nên quên mối liên hệ giữa thay đổi nhân khẩu học và bong bóng tài sản.
Đỉnh cao của bong bóng Nhật Bản trùng với thời điểm kết thúc lợi thế về nhân khẩu học của đất nước này. Khi dân số trong độ tuổi lao động của một quốc gia giảm xuống như Trung Quốc hiện nay, nhu cầu về nhà ở cũng giảm. Điều đó lại ảnh hưởng đến giá bất động sản nhà ở và tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế.
Trong trường hợp của Trung Quốc, quốc gia này có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản và thực hiện các biện pháp phủ đầu. Chính quyền Trung Quốc đã nghiên cứu sâu kinh nghiệm của Nhật Bản ứng phó với vấn đề thay đổi nhân khẩu học cũng như bong bóng tài sản và sự sụp đổ của nó.
Trong khi mối lo ngại về tình trạng giảm phát của Trung Quốc gia tăng trong những tháng gần đây, hầu hết các nhà quan sát đều bỏ lỡ một điểm quan trọng. Điều đáng lo ngại thực sự là liệu Trung Quốc có sẽ trải qua tình trạng giảm phát tồi tệ như Mỹ đã trải qua những năm 1930 chứ không phải kiểu giảm phát nhẹ mà Nhật Bản đã trải qua hay không. Điều này sẽ không xảy ra trừ khi hệ thống tài chính Trung Quốc sụp đổ cho nên vấn đề then chốt là liệu Bắc Kinh có thể kiểm soát được thiệt hại từ việc vỡ bong bóng hay không.
Liên quan đến kịch bản giảm phát nhẹ, một vấn đề thú vị xét từ góc độ dài hạn đó là dân số giảm sẽ gây ra tác động gì.
Những kỳ vọng về dân số trong tương lai của nền kinh tế sẽ quyết định nhu cầu hiện tại, đặc biệt là đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng nhân khẩu học hiện tại quyết định khả năng cung hiện tại của nền kinh tế. Bất kỳ sự thiếu hụt nhu cầu nào sẽ gây áp lực giảm giá. Nhưng một lần nữa, không nên coi giảm phát nhẹ là một yếu tố gây thêm sợ hãi bởi đó chỉ là một triệu chứng của thách thức căn bản về nhân khẩu học.
Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu số phận nền kinh tế Trung Quốc có giống với số phận của Nhật Bản hay không. Cuối cùng, vấn đề sẽ là Trung Quốc đối phó như thế nào với tình trạng vỡ bong bóng và sự thay đổi nhân khẩu học và thậm chí quan trọng hơn là ý chí và năng lực của chính phủ cũng như của xã hội trong việc hành động kịp thời.
(Nguồn: Nikkei Asia)