Việt Nam - “Ngọn hải đăng” trong việc trao quyền cho giới trẻ
Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra ngày 15/9. Đây là sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất do Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo".
Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 300 nghị sĩ trẻ và đại biểu đến từ hơn 70 Nghị viện thành viên IPU và đại diện của các tổ chức quốc tế; 124 thành viên Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam; 20 thanh niên trẻ tiêu biểu của Việt Nam; 20 đại biểu Hội đồng nhân dân trẻ cấp tỉnh; lãnh đạo 16 Hội hữu nghị Việt Nam với các nước và đại diện 100 Đại sứ quán, Lãnh sự quán, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Lực lượng gánh vác sứ mệnh hội nhập và phát triển của quốc gia
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam đề xuất sáng kiến và rất vinh dự, tự hào được Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Tiếp nối thành công của Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2018) và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong IPU; đồng thời cho thấy sự ưu tiên, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau 37 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã đạt được kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao khoảng 6%/năm. Quy mô GDP năm 2022 theo giá hiện hành đứng thứ 38 trên thế giới, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), theo IMF, xếp thứ 10 châu Á và đứng thứ 24 trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 735 tỷ USD, nằm trong Top 20 quốc gia có kim ngạch ngoại thương lớn nhất toàn cầu. Việt Nam cũng rất thành công trong thu hút FDI, đến nay đã có hơn 37.000 dự án đầu tư từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký gần 450 tỷ USD.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chúng ta bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với vô vàn biến cố khó lường. Lần đầu tiên cả thế giới trải qua một đại dịch COVID-19 với quy mô chưa từng có, tổn thất vượt xa mọi dự đoán. Có thể nói, chưa bao giờ môi trường chính trị, kinh tế và an ninh quốc tế lại đứng trước đồng thời nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ: "Chúng ta vẫn có quyền lạc quan và hy vọng về tương lai. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy, là xu thế lớn. Thế giới đã vượt qua đại dịch COVID-19. Dịch bệnh không làm chúng ta sụp đổ mà khiến chúng ta càng đoàn kết và mạnh mẽ hơn. Các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy lan tỏa sâu rộng. Trong khi toàn cầu hóa gặp khó khăn thì hàng loạt các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu tiếp tục được đẩy nhanh. Thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo là điều mong mỏi, là mẫu số chung của các nỗ lực hợp tác toàn cầu".
Với chủ đề "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo" và các phiên thảo luận chuyên đề là: Chuyển đổi số; Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị trao đổi, thảo luận về một số nội dung trọng tâm. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị IPU nghiên cứu thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để cùng nhau trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Nhấn mạnh, tuổi trẻ, thanh niên chính là lực lượng gánh vác sứ mệnh, trách nhiệm lịch sử trong công cuộc hội nhập và phát triển ở mỗi quốc gia và sự thịnh vượng chung của thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng rằng mỗi nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên sẽ phát huy trí tuệ, sức trẻ, sáng tạo, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết để đóng góp tích cực cho thành công của Hội nghị.
Việt Nam biến lời nói thành hành động
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco bày tỏ vinh dự có mặt tại Hội nghị, đồng thời, trân trọng cảm ơn Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành cho các đại biểu dự Hội nghị sự đón tiếp vô cùng nồng hậu, cảm ơn các cam kết của Việt Nam thể hiện qua sự chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ cho việc tổ chức Hội nghị.
Chủ tịch IPU nêu rõ, tại Hội nghị này, các nghị sĩ trẻ toàn cầu sẽ tập trung trao đổi về các chiến lược phát triển cho các quốc gia, cho thế giới và người dân cả trong hiện tại và tương lai. Đây là thời điểm thích hợp để thảo luận về các vấn đề này. Những gì chúng ta quyết định hôm nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai.
Chia sẻ tầm quan trọng của tinh thần đổi mới sáng tạo, những thay đổi nhằm mang lại các giá trị tốt đẹp hơn, vai trò của giới trẻ, song Chủ tịch IPU cũng cho rằng, dường như chúng ta đang thiếu hụt sự chú ý, sự quan tâm đến các yếu tố quan trọng này.
"Vì vậy, chúng ta phải nâng tầm hơn nữa vai trò của giới trẻ. Quốc hội Việt Nam đang làm gương cho chúng ta trong những nỗ lực này. Quốc hội Việt Nam có tỷ lệ nghị sĩ trẻ rất cao. Điều này có nghĩa là Việt Nam không chỉ nói mà còn chuyển biến lời nói thành hành động, đem lại không gian để các nghị sĩ trẻ nâng tầm vai trò của mình”, Chủ tịch IPU nhấn mạnh.
Qua đó, Chủ tịch IPU cũng đề nghị giới trẻ, nghị sĩ trẻ nói lên tiếng nói của mình để các nghị viện và IPU biết có thể làm gì giúp giới trẻ tham gia tích cực hơn vào đời sống chính trị. “Điều tệ nhất là người trẻ dường như đang lảng tránh việc tham gia hoạt động chính trị. Do đó, chúng ta phải giúp họ có không gian để tham gia vào quá trình ra quyết định, họ muốn gì cho tương lai của mình”, Chủ tịch IPU nói,
Đề cập lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đến năm 2030 đang bị chậm trễ, trì hoãn, Chủ tịch IPU nhấn mạnh, chúng ta phải nhanh chóng hơn nữa để thực hiện được càng nhiều càng tốt các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra đúng thời hạn năm 2030.
Trong tiến trình đó, Chủ tịch IPU cho rằng, chuyển đổi số, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố hết sức quan trọng, không có các yếu tố này thì không thể phát triển bền vững được. Các nghị sĩ trẻ đã rất quen thuộc với thế giới số hoá hiện nay. Do đó, tại Hội nghị cũng cần trao đổi chúng ta sẽ làm gì, cái gì cần phải thay đổi, cái gì cần phải đổi mới sáng tạo trong các nghị viện để đem lại sự tham gia thực chất của giới trẻ trong hoạt động chính trị và trong các nghị viện.
Nhấn mạnh IPU đánh giá rất cao sự tham gia đông đảo của các đại biểu tại Hội nghị lần này, Chủ tịch IPU nêu rõ, chúng ta cần thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong nghị viện và đem lại cho họ nhiều cơ hội hơn nữa. Điều này cũng thể hiện qua sự tham gia của các Đoàn đại biểu ở khắp nơi trên toàn cầu. Có như vậy chúng ta mới có thể cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. IPU sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực này. Chủ tịch IPU tin tưởng, với sự tham gia và chia sẻ kinh nghiệm thực chất, hiệu quả của các đại biểu và kết quả của Hội nghị sẽ có thể tạo nên những thay đổi trong thực tế để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, đặc biệt là qua những nỗ lực từ người trẻ.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới, ông Martin Chungong trân trọng gửi lời cảm ơn tới Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất thành công trong công tác tổ chức Hội nghị.
Bày tỏ vui mừng khi được trở lại Hà Nội, Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra tại đất nước Việt Nam tươi đẹp, một quốc gia đã có những bước tiến đáng kể và tin cậy trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, Việt Nam đóng vai trò là “ngọn hải đăng” trong việc trao quyền cho giới trẻ khi nói đến công nghệ, và sẽ được nghe nhiều hơn về điều này trong những ngày Hội nghị tới.
Tổng Thư ký IPU vui mừng khi thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kết hợp hai khía cạnh công nghệ và trao quyền cho giới trẻ này; tin tưởng, qua những nỗ lực như vậy, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.
“Chỉ hứa hẹn thì không thể mang lại sự thay đổi, trách nhiệm của IPU là biến những lời nói thành hành động, và IPU hoan nghênh nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam trong công tác này”, Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe phát biểu của ông Dan Carden, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hạ nghị sĩ, Vương quốc Anh; ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ của Quốc hội Việt Nam; đồng thời nghe phát biểu dẫn đề về tình hình thực hiện các SDGs và vai trò của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của Đại biểu Quốc hội Việt Nam Trịnh Thị Tú Anh; phát biểu ghi hình của Phó Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế Tomas Lamanauskas (ITU).
Cũng tại Hội nghị, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU đã chủ trì Phiên thảo luận chuyên đề về Chuyển đổi số.