Hoạt động ngân hàng

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lĩnh vực lúa gạo và thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

ThS.Trần Trọng Triết 17/09/2023 13:59

Ngược lại với diễn biến tăng trưởng âm của xuất khẩu thủy sản, khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 5,8 tỷ USD) xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2023 đang đứng trước những “cơ hội vàng” từ việc Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng lên từng ngày...

che-bien-tom-tai-cong-ty-co-phan-thuy-san-sach-viet-nam..jpg
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách trần lãi suất ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực lúa gạo, thủy sản

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3,16 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 21,4% về sản lượng và 35,7% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ đáp ứng, do nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới tăng đột biến.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu lúa, gạo, thủy sản nói riêng trong việc giảm chi phí vay vốn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngắn hạn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay (Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015/TT-NHNN).

Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách trần lãi suất ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực lúa gạo, thủy sản. Từ tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm trần lãi suất đối với lĩnh vực này xuống mức 4%/năm.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023) để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đối với trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa, gạo, thủy sản. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện. Mới đây, trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản đăng ký tham gia của các NHTM, NHNN đã ban hành văn bản số 5631/NHNN-TD hướng dẫn các NHTM triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng.

Về kết quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản, đến cuối tháng 7/2023, dư nợ tín dụng ngành thủy sản cả nước đạt 217.784 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 24% dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản, trong đó dư nợ tập trung phần lớn vào chi phí khai thác, nuôi trồng thủy sản (chiếm 43% dư nợ ngành thủy sản).

Riêng dư nợ tín dụng ngành thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cuối tháng 8/2023 đạt 128.525 tỷ đồng, tăng khoảng 8,5% so với 2022 (cao hơn mức tăng chung toàn quốc 4%), chiếm 59% dư nợ cho vay thủy sản toàn quốc, trong đó: (i) dư nợ tín dụng phục vụ mục đích khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 62.122 tỷ đồng (chiếm khoảng 48%) (ii) Dư nợ tín dụng thu mua, tiêu thụ (trong nước, xuất khẩu) thủy sản đạt 34.390 tỷ đồng (chiếm khoảng 27%); (iii) Dư nợ tín dụng chế biến, bảo quản thủy sản đạt 31.992 tỷ đồng (chiếm khoảng 25%).

Một số địa phương có dư nợ thủy sản lớn, như tỉnh Cà Mau (29.296 tỷ đồng, tăng 12,9%); tỉnh Kiên Giang (14.588 tỷ đồng, tăng 7,5%); tỉnh An Giang (13.543 tỷ đồng, tăng 3,8%); tỉnh Đồng Tháp (12.870 tỷ đồng, tăng 7,3%); TP. Cần Thơ (12.320 tỷ đồng, tăng 6,1%). Trong đó, dư nợ cho vay cá tra đạt khoảng 30.639 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm ngày 31/12/2022 (trong khi mức chung toàn quốc giảm -2,72%), chiếm khoảng 24% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực. Một số tỉnh có dư nợ cho vay cá tra lớn, như Đồng Tháp (7.475 tỷ đồng, tăng 5,97%), TP. Cần Thơ (6.400 tỷ đồng, tăng 1,11%), An Giang (5.822 tỷ đồng, tăng 9,76%); Hậu Giang (3.208 tỷ đồng, tăng 26,8%).

Dư nợ cho vay tôm đạt khoảng 39.991 tỷ đồng, tăng 8,8% so với thời điểm ngày 31/12/2022 (thấp hơn mức tăng chung toàn quốc là 10,5%) và chiếm khoảng 31% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực. Một số địa phương có dư nợ cho vay tôm lớn, như: Cà Mau (15.855 tỷ đồng, tăng 7,1%), Bạc Liêu (5.171 tỷ đồng, tăng 4,8%), Trà Vinh (4.552 tỷ đồng, tăng 10%). Dư nợ cho vay cá ngừ đạt khoảng 826 tỷ đồng, tăng 4,8% với 31/12/2022 (thấp hơn mức tăng chung toàn quốc 13,52%), chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực.

Về cho vay lúa gạo đến tháng 7/2023, dư nợ tín dụng ngành lúa, gạo trên toàn quốc đạt 195.191 tỷ đồng, tăng 16,32% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ tập trung phần lớn vào khâu thu mua, tiêu thụ lúa, gạo (chiếm khoảng 72% dư nợ ngành lúa gạo).

co-gioi-hoa-san-xuat-nong-nghiep-o-an-giang..jpg
Về cho vay lúa gạo đến tháng 7/2023, dư nợ tín dụng ngành lúa, gạo trên toàn quốc đạt 195.191 tỷ đồng, tăng 16,32% so với cuối năm 2022

Đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 102.536 tỷ đồng, tăng 9% so với 2022, chiếm khoảng 53% tổng dư nợ ngành lúa gạo toàn quốc. Trong đó, dư nợ phục vụ mục đích trồng trọt đạt 19.050 tỷ đồng (chiếm 19%); phục vụ mục đích thu mua, tiêu thụ đạt trên 72.028 tỷ đồng (chiếm 70%); phục vụ mục đích chế biến, bảo quản đạt 11.485 tỷ đồng (chiếm 11%).

Một số địa phương có dư nợ lúa gạo lớn, như tỉnh Long An (20.504 tỷ đồng, tăng 0,3%), TP. Cần Thơ (18.800 tỷ đồng, tăng 28%), Đồng Tháp (12.725 tỷ đồng, tăng 13%), (Kiên Giang 10.517 tỷ đồng, tăng 5,27%), Tiền Giang (9.402 tỷ đồng, tăng 6%).

Ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - là một trong những lĩnh vực luôn được ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành riêng một Nghị định về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực này và thường xuyên sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế.

ThS.Trần Trọng Triết