Tài chính-Tiền tệ, tuần từ ngày 11-15/9: Tỷ giá tăng, lãi suất liên ngân hàng giảm
Tỷ giá trung tâm tăng, lãi suất liên ngân hàng giảm, chứng khoán giảm điểm, đà tăng của giá dầu thế giới có thể bị kìm hãm, kinh tế mỹ đón nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng, ECB tăng lãi suất… là những điểm thông tin kinh tế nổi bật trong nước và thế giới tuần qua.
Tổng quan: Đà tăng của giá dầu thế giới có thể bị kìm hãm
Giá dầu thế giới được dự báo tiếp tục tăng trong quý cuối năm 2023 và có thể cả năm 2024 khi nguồn cung dầu bị kìm hãm. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu có thể bị kìm hãm bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới chậm chạp.
Chốt ngày 15/9/2023, giá dầu WTI ở mức 90,77 USD/thùng, tăng 13,09% so với cuối năm 2022, trong khi cả năm 2022, giá dầu chỉ tăng 6,71%. Giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 10 tháng kể từ thứ Tư (ngày 13/9) và tiếp tục tăng 2 phiên cuối tuần. Có 3 yếu tố chính khiến giá dầu tăng mạnh:
(1) OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) thống nhất về một thỏa thuận nhằm hạn chế nguồn cung năm 2024 trong cuộc họp chính sách tháng 6/2023. Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu dầu toàn cầu.
(2) Ả Rập Xê – Út và Nga, hai quốc gia khai thác dầu lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới độc lập cắt giảm sản lượng sản xuất. Ả Rập Xê – Út đã cắt 1 triệu thùng dầu/ngày kể từ ngày 20/7 và sẽ duy trì chính sách ít nhất tới hết tháng 10/2023. Trong khi đó, Nga đã cắt 500.000 thùng/ngày và sẽ cắt thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng tới.
(3) Nhu cầu tiêu thụ dầu tại các thị trường chủ chốt đang được kỳ vọng sẽ sớm khả quan trở lại, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như cắt giảm lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng lớn, nới lỏng các quy định cho vay đối với người mua nhà. Dữ liệu khảo sát Chỉ số Quản lý Mua hàng PMI Caixin của Trung Quốc cũng cho thấy hoạt động sản xuất của nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã tăng trở lại trong tháng 8/2023, thúc đẩy các thương gia tăng dự trữ để chuẩn bị cho triển vọng nhu cầu tăng.
Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế nước này tháng 7/2023 và tháng 8/2023 có tích cực hơn tuy vẫn còn ở mức khiêm tốn. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng việc làm đã hạ nhiệt trên diện rộng và tăng trưởng tiền lương có thể chậm lại vào cuối năm nay. Lạm phát nhìn chung đã giảm tốc nhanh hơn trong lĩnh vực sản xuất và cả hàng tiêu dùng. Niềm tin về việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ dừng tăng lãi suất ngày càng lớn hơn.
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố kìm hãm đà tăng của giá dầu. Mối lo ngại lớn hơn từ góc độ nhu cầu dầu mỏ là các ngành công nghiệp nặng tiếp tục hoạt động kém hiệu quả so với lĩnh vực dịch vụ, bị đè nặng bởi áp lực giá hàng hóa kéo dài và nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu. PMI ngành sản xuất và các cuộc khảo sát doanh nghiệp và người tiêu dùng khác trong các khu vực kinh tế chủ chốt vẫn đang ở dưới mức mở rộng, báo hiệu sự suy giảm ngày càng sâu sắc trong hoạt động kinh tế. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đại lục vẫn chưa thực sự khởi sắc, tiếp tục phải đối mặt với những lực cản trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Dự báo về cầu và giá dầu thế giới cuối năm nay và trong thời gian tới, các tổ chức và chuyên gia phân tích thị trường đều nhận định nhu cầu dầu và giá dầu vẫn sẽ giữ ở mức cao. Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, OPEC chỉ ra rằng nhu cầu dầu mỏ của toàn thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tương đương mức tăng hằng năm 2,2%, mức tăng của năm 2023 là 2,44 triệu thùng/ngày.
OPEC vẫn duy trì quan điểm tương đối lạc quan về năm 2024, rằng thế giới sẽ chứng kiến nhu cầu tăng trưởng mạnh hơn. OPEC dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% vào năm 2024, đồng thời cho rằng các nước tiêu thụ dầu chủ chốt, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, cùng một số nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á, sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, OPEC lưu ý rằng, dự đoán này dựa trên các giả định rằng lạm phát chung tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024, đồng thời lãi suất cơ bản sẽ đạt đỉnh cuối năm 2023.
Về giá, trong một báo cáo, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho rằng, trong trường hợp OPEC+ duy trì toàn bộ các mức cắt giảm trong năm 2023 đến hết năm 2024 và Saudi Arabia chỉ nâng dần sản lượng, giá dầu Brent có thể tăng lên đến 107 USD/thùng vào tháng 12/2024. BMI, một công ty của Fitch Solutions, dự đoán mặt hàng này đạt trung bình 80 USD/thùng trong năm nay, 83 USD/thùng vào năm 2024 và 2025, và 80 USD/thùng vào năm 2026 và 2027.
Bloomberg dự đoán rằng Brent sẽ đạt trung bình 81 USD/thùng vào năm 2023, 83 USD/thùng vào năm 2024, 81 USD/thùng vào năm 2025, 78 USD/thùng vào năm 2026 và 70 USD/thùng vào năm 2027. Báo cáo của Standard Chartered vào ngày 5/9 cho thấy công ty dự kiến giá Brent ICE sẽ đạt trung bình 98 USD/thùng vào năm 2024, 109 USD/thùng vào năm 2025 và 128 USD/thùng vào năm 2026.
Tóm lược thị trường tài chính – tiền tệ trong nước
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ ngày 11 - 15/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng khá mạnh ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 15/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.036 VND/USD, tăng tới 43 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.187 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá liên ngân hàng được giao dịch theo xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên ngày 15/9, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.260 VND/USD, tăng mạnh 171 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên ngày 15/9, tỷ giá tự do tăng 80 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.180 VND/USD và 24.260 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng: Tuần từ ngày 11 - 15/9, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng giảm qua các phiên, đặc biệt ở kỳ hạn 1 tháng. Chốt ngày 15/9, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm là 0,20% (không thay đổi); 1 tuần là 0,35% (-0,05 đpt); 2 tuần là 0,49% (-0,05 đpt); 1 tháng là 1,10% (-0,22 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng – giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: Qua đêm là 5,04% (-không thay đổi); 1 tuần là 5,15% (+0,01 đpt); 2 tuần là 5,24% (không thay đổi) và 1 tháng là 5,35% (+0,02 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ ngày 11 - 15/9, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 13/9, Kho bạc Nhà nước chào thầu 5.500 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 5.000 tỷ đồng, tương đương 91%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu; kỳ hạn 10 năm và 15 năm cùng huy động được toàn bộ 2.250 tỷ đồng/kỳ hạn; kỳ hạn 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng và không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm là 1,67% (-0,02 đpt), 10 năm là 2,36% (không đổi), 15 năm là 2,59% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 19/9, Ngân hàng Chính sách xã hội chào thầu 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh, trong đó, kỳ hạn 10 năm chào thầu 500 tỷ đồng và 15 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng. Ngày 20/9, Kho bạc Nhà nước chào thầu 4.000 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng và 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 4.760 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 6.508 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên ngày 15/9, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm là 1,67% (-0,02 đpt); 2 năm là 1,67% (-0,01 đpt); 3 năm là 1,71% (-0,01 đpt); 5 năm là 1,76% (-0,01 đpt); 7 năm là 2,29% (không đổi); 10 năm là 2,59% (không đổi); 15 năm là 2,78% (-0,02 đpt); 30 năm là 3,07% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ ngày 11 - 15/9, thị trường chứng khoán giảm điểm sau 3 tuần tăng liên tiếp trước đó. Chốt phiên ngày 15/9, VN-Index đứng ở mức 1.227,36 điểm, giảm 14,12 điểm (-1,14%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 3,44 điểm (-1,34%) còn 252,76 điểm; UPCom-Index rớt 0,96 điểm (-1,01%) về mức 93,76 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh với giá trị giao dịch trung bình trên 24.300 tỷ đồng/phiên từ mức 29.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh khoảng gần 2.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi và CPI toàn phần của nước Mỹ lần lượt tăng 0,3% và 0,6% trong tháng 8/2023, sau khi cùng tăng 0,2% ở tháng 7/2023. So với cùng kỳ năm 2022, CPI lõi tăng 4,3% và CPI toàn phần tăng 3,7% trong tháng vừa qua, cùng cao hơn mức tăng 4,2% và 3,2% của tháng trước đó.
Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI lõi và PPI toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,2% và 0,7% trong tháng 8/2023, sau khi cùng tăng 0,4% ở tháng 7/2023. So với cùng kỳ năm 2022, PPI lõi và PPI toàn phần lần lượt tăng 3,0% và 1,6%.
Ở thị trường bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ cùng tăng 0,6% trong tháng 8/2023, sau khi lần lượt tăng 0,7% và 0,5% ở tháng 7/2023, cùng tích cực hơn so với dự báo tăng 0,1% và 0,4%. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số bán lẻ toàn phần tăng 2,5%.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 9/9 ở mức 220 nghìn đơn, tăng nhẹ từ mức 217 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn so với mức 225 nghìn đơn theo dự báo.
Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 67,7 điểm trong tháng 9/2023, giảm nhẹ từ mức 69,5 điểm trong tháng 8/2023 và đồng thời thấp hơn mức 69 điểm theo dự báo.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi cuộc họp quan trọng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra ngày 19-20/9. Kết quả cuộc họp sẽ được công bố sáng sớm ngày 21/5 theo giờ Việt Nam.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có đợt nâng lãi suất chính sách trong tuần vừa qua, nhưng cũng phát đi tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh. Trong phiên họp ngày 14/9, ECB nhận định lạm phát tại khu vực Eurozone đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức quá cao trong một thời gian dài. Cơ quan này khẳng định sẽ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn.
Để đạt được mục tiêu trên, ECB quyết định tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản, theo đó lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi tại ECB lần lượt tăng lên mức 4,5%; 4,75% và 4,0%.
ECB cho rằng lãi suất chính sách đã đạt đến mức nếu duy trì trong thời gian đủ dài sẽ đóng góp đáng kể vào việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Trong tương lai, ECB sẽ đảm bảo lãi suất chính sách được đặt ở mức đủ cao trong thời gian cần thiết. Các quyết định tiếp theo phụ thuộc vào đánh giá triển vọng lạm phát, dựa theo tình hình kinh tế, tài chính.
Liên quan đến chỉ báo kinh tế Eurozone, sản lượng công nghiệp tại khu vực này giảm 1,1% trong tháng 7 sau khi tăng 0,4% ở tháng 6, sâu hơn mức giảm 0,8% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng công nghiệp Eurozone giảm 2,2%. Tại nước Đức nói riêng, chỉ số niềm tin tiêu dùng do ZEW khảo sát ở mức -11,4 điểm trong tháng 9 tăng lên từ mức -12,3 điểm của tháng trước và trái với dự báo giảm xuống mức -15 điểm.
Nguồn: MSB Research