Biên độ của thị trường bị siết trước ngày đáo hạn phái sinh và FED công bố lãi suất
VN-Index có phiên giao dịch khá căng thẳng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu lớn. Nhà đầu tư đang dành nhiều sự quan tâm cho cuộc họp của FED và kỳ đáo hạn phái sinh tháng 9.
Định vị thị trường
Cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thu hút nhiều sự quan tâm của các thị trường chứng khoán châu Á. Phần lớn các chỉ số đều giảm điểm ở phiên hôm nay (ngày 19/9) với biên độ hẹp như: CSI 300 (-0,19%), NIKKEI 225 (-0,8%), KOSPI (-0,6%).
Biên độ của thị trường Việt Nam còn hẹp hơn các thị trường kể trên nhưng cũng cho thấy sự chi phối tâm lý của kỳ công bố lãi suất của FED. Đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá vẫn nhích lên hàng ngày, cùng với hoạt động bán ròng liên tục của khối ngoại.
Chất xúc tác
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, trong phiên giao dịch ngày 19/9, tỷ giá trung tâm đã tăng nhẹ lên 24.060 VND/USD. Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại vẫn tham gia mạnh ở 2 chiều mua/bán. Đóng góp của họ chiếm 15,44% giao dịch của HOSE phản ánh rõ sự hiện diện của khối này.
Khối ngoại lại rút tiếp 374 tỷ đồng khỏi HOSE. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là HPG (-140 tỷ đồng), STB (-69,22 tỷ đồng), HCM (-66,12 tỷ đồng). Nhóm Vingroup vẫn nằm trong danh sách bị bán ròng nhưng đều có quy mô dưới 50 tỷ đồng.
Vận động thị trường
2/3 cổ phiếu nhóm Vingroup giảm giá ở phiên hôm nay, trong khi VHM (+0,8%) đã tăng giá trở lại. Có thời điểm VHM tăng tới 2% nhưng tới cuối phiên vẫn bị ghìm lại. Dù sao đây cũng là diễn biến khả quan hơn cho cổ phiếu VHM, bởi công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa thông báo sẽ mua vào hơn 16 triệu cổ phiếu VHM.
Về tổng thể, nhóm Vingroup vẫn chưa chứng minh được khả năng cân bằng, bởi VIC (-2,5%) vẫn giảm khá mạnh. Trạng thái đóng cửa của VIC gần như thấp nhất phiên, tại mức giá 51.700 đồng/cổ phiếu. Khớp lệnh trong phiên ATC lên tới 1,22 triệu cổ phiếu, tương đương gần 10% khối lượng giao dịch, cho thấy dòng tiền lớn vẫn tạo ra sức ép vào cổ phiếu này.
VN-Index giữ được sự cân bằng nhờ vào các nỗ lực của HPG (+2%), FPT (+1,5%), SSI (+1,4%) có lực kéo trở lại để triệt tiêu bớt ảnh hưởng của VIC và nhóm ngân hàng với các mã: BID (-1,2%), VCB (-0,8%), VIB (-1,2%).
Đây cũng có thể là cách các cổ phiếu lớn tác động vào VN30 trong những ngày cuối cùng trước kỳ đáo hạn phái sinh. Vào ngày thứ Năm (ngày 21/9), HĐTL VN30F2309 sẽ có phiên giao dịch cuối cùng.
Với thị trường chung, dù không thể tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng từ vận động trước kỳ đáo hạn phái sinh, nhà đầu tư vẫn cố gắng khai thác những cơ hội giao dịch ở nhóm: Thép, chứng khoán, hóa chất với HSG (+5,5%), NKG (+5,34%), ORS (+4,19%), DCM (+3,56%), DGC (+4,04%).
Những điểm sáng này chủ yếu xuất hiện trong phiên chiều và giúp tâm lý chung bớt đi sự căng thẳng. Chốt phiên ngày 19/9, VN-Index giảm 0,31 điểm xuống 1.211,5 điểm (-0,03%). Độ rộng của sàn đạt 45% mã đỏ so với 43% mã tăng giá.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 0,1% và 0,11%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng.