Doanh nghiệp

Synopsys cam kết giúp Việt Nam thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip

Thanh Thanh 20/09/2023 13:48

Theo biên bản hợp tác giữa Synopsys và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), Synopsys sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC), trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Thông tin từ Bộ KH&ĐT cho biết, trong chuyến thăm, làm việc với một số tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ tại thung lũng Silicon (California), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Synopsys và NIC đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

ky-ket-nic.jpeg.png
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Synopsys và NIC đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo đó, Synopsys sẽ cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình “Đào tạo Giảng viên” cho NIC để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

NIC đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Việt Nam, bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Dự kiến trung tâm ươm tạo sẽ đi vào hoạt động trong tương lai gần.

Đồng thời ký biên bản ghi nhớ với NIC, Synopsys và Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Đây là đơn vị chủ trì đang tham mưu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035.

Được biết, Synopsys là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn. Các sản phẩm bao gồm các công cụ tổng hợp logic và thiết kế vật lý của mạch tích hợp, trình mô phỏng để phát triển và môi trường gỡ lỗi hỗ trợ thiết kế logic cho chip và hệ thống máy tính. Năm 2022, Synopsys có 19.000 nhân viên và đạt doanh thu 5,08 tỷ USD.

Năm 2020, Synopsys đã chính thức tham gia vào thị trường vi mạch Việt Nam qua việc mua lại một phần của eSilicon Corporation.

Việt Nam là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương của Synopsys. Synopsys Việt Nam đã mở rộng đến 4 văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư có năng lực.

Năm 2022, Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân tài thiết kế vi mạch tại Việt Nam với Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, trong đó Synopsys tài trợ 30 giấy phép trị giá 20 triệu USD cho hoạt động này.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn và một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi.

Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.

Việc hợp tác giữa NIC và Synopsys sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp về thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam, cũng như tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn.

Thanh Thanh