Thẻ tín dụng nội địa sẽ là dòng thẻ “quốc dân”
Đó là thông tin vừa được đưa ra tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023, diễn ra sáng ngày 20/9 tại Hà Nội.
Sự kiện được tổ chức thường niên với chủ đề năm 2023 là “Bứt phá giới hạn” do Báo Tiền Phong và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức.
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code),... Song song với phương thức truyền thống, các ngân hàng cũng tích cực triển khai giải pháp phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) gắn với những phương thức phi truyền thống.
Để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thị trường thẻ tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử nói chung và hoạt động thẻ nói riêng đảm bảo phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngân hàng, tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
"Nói đến thanh toán thẻ, thanh toán số, tương lai chúng tôi thúc đẩy sử dụng ở phạm vi nước ngoài. Đây là xu hướng chúng tôi đã làm rồi, cho phép người dùng đi du lịch quẹt QR Code chi tiêu, đem lại tiện ích cho người dân, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Khía cạnh nữa là thúc đẩy tiêu chuẩn hóa, tăng cường tiêu chuẩn về thanh toán", ông Lê Anh Dũng cho biết thêm.
Để kết nối thanh toán xuyên biên giới, ông Lê Anh Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hợp tác với ngân hàng trung ương các nước mở rộng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thanh toán, nghiên cứu thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới phù hợp với xu hướng kết nối thanh toán trong khu vực, đồng thời đem lại tiện ích cho người dân, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Chia sẻ tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chia sẻ, giờ đây khách hàng không cần phải mang theo thẻ mà vẫn có thể trải nghiệm toàn bộ tiện ích thanh toán và các tính năng ưu đãi của sản phẩm thẻ. Thanh toán thẻ mà không cần thẻ, đúng như chủ đề "Bứt phá giới hạn" của chương trình. Vietcombank mong muốn góp phần xây dựng một hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại và tiên tiến, phù hợp với xu hướng toàn cầu và nhu cầu của người dân Việt Nam”.
Với vai trò là đại sứ Ngày Thẻ Việt Nam 2023, MC Khánh Vy đã chia sẻ về việc thanh toán không dùng tiền mặt đã lan toả không chỉ ở thành phố mà còn xuất hiện nhiều tại quê nhà của cô. MC Khánh Vy cho rằng, chỉ với một chiếc điện thoại, chúng ta có thể kết nối thanh toán tới tất cả mọi nơi và mọi thứ... Người trẻ, với vai trò là thế hệ tiên phong cần đi đầu trong việc bứt phá thanh toán online.
Thẻ tín dụng nội địa góp phần hạn chế tín dụng đen
Về số lượng thẻ đang lưu hành, ông Lê Anh Dũng cho biết, tính đến tháng 7/2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC. Giao dịch qua thẻ cũng tăng mạnh cả về số lượng và giá trị giao dịch, đến tháng 7/2023, giao dịch toàn hệ thống đạt gần 1,3 tỷ món, tương đương 2,63 triệu tỷ đồng (tăng 3,21% về mặt số lượng so với cùng kỳ năm 2022).
Dẫn số liệu của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, đến hết năm 2022, doanh số sử dụng thẻ đạt 3.545 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh số sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa dịch vụ tăng 40% so với năm 2021. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành thẻ ngân hàng Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết, tính đến tháng 8/2023, số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành của NAPAS đạt hơn 800.000 thẻ, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Về ưu điểm khi sử dụng thẻ tín dụng nội địa, ông Nguyễn Quang Hưng cho biết, đây sẽ là phương tiện cấp tín dụng tiêu dùng, giúp nhóm yếu thế tiếp cận một khoản vay với chính sách thuận tiện, cho phép sử dụng thanh toán trực tiếp tại các điểm bán hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán trong giao thông công cộng, rút tiền/chi tiêu tại Hàn Quốc thông qua mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán của tổ chức BC Card.
Ngoài ra, theo Chủ tịch HĐQT NAPAS, với tính năng của thẻ tín dụng là chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi từ 45 - 55 ngày, cùng với điều kiện mở thẻ cũng đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp nên đây còn là phương thức giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tiêu dùng chính thức từ các tổ chức tài chính, góp phần hạn chế tín dụng đen. Hơn nữa, so với các dòng thẻ tín dụng khác, thẻ tín dụng nội địa có ưu điểm là: Biểu phí minh bạch, phù hợp, cân bằng lợi ích của các bên, nên cũng sẽ tạo động lực cho các đơn vị tham gia triển khai.
Với những đặc điểm như vậy, ông Nguyễn Quang Hưng khẳng định, thẻ tín dụng nội địa sẽ là dòng thẻ “quốc dân” và là sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, hỗ trợ phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng như phát triển kinh tế.