Trả hết điểm trong ngày đáo hạn phái sinh tháng 9
VN-Index cùng chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm dù FED đã công bố giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp ngày 20/9. Phiên hôm nay đồng thời là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 9.
Định vị thị trường
Kết quả cuộc họp của FED đã không đi ngoài dự báo khi lãi suất sẽ được giữ nguyên sau cuộc họp chính sách. Tuy nhiên, thông điệp của FED lại tạo ra sự lo lắng cho giới đầu tư châu Á bởi có thể vẫn có một đợt tăng lãi suất trong 3 tháng cuối năm 2023 trước khi bắt đầu giảm lãi suất vào năm sau.
Các chỉ số chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 thị trường ghi nhận mức giảm trên 1%. Thị trường Việt Nam cũng phải trả lại hết những thành quả tăng điểm của phiên hôm trước.
Chất xúc tác
Tỷ giá trung tâm đã tạm giảm nhẹ trong sáng nay, xuống 24.063 VND/USD. Dù vậy, chỉ số Dollar Index vẫn đang ở vùng đỉnh 9 tháng nên sẽ rất khó để tỷ giá có sự hạ nhiệt trong thời gian tới.
Với dòng tiền ngoại, đóng góp ở 2 chiều mua bán cũng đã giảm đi nhưng vẫn đang ở mức khá cao, đạt 12,12%. Khối này tiếp tục tục rút ròng 364,74 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu HPG (-206,12 tỷ đồng), KDH (-77 tỷ đồng), VIC (-48,86 tỷ đồng)…
Còn với tiền nội, sự kiện đáo hạn phái sinh tháng 9 vẫn có những tác động cụ thể, đặc biệt ở nhóm VN30. Chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai (HĐTL) VN30F2309 đóng cửa lần lượt tại 1.219,19 điểm và 1.220,6 đơn vị.
Vận động thị trường
Phần lớn thời gian giao dịch của VN30 đều ở dưới mức tham chiếu. Đặc biệt trong 15 phút trước phiên ATC, chỉ số đã bị kéo xuống mức thấp nhất phiên. Đây là khoảng thời gian rất quan trọng bởi giá chốt cho VN30F2309 là giá trị trung bình số học giản đơn của VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa, sau khi loại trừ ba giá trị chỉ số cao nhất và ba giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục.
VIC (-2,4%), VHM (-1%) vẫn là những nhân tố gây ảnh hưởng tới VN30, tuy nhiên thực tế còn rất nhiều mã cũng tham gia vào việc tạo áp lực cho VN30 như BID (-1,1%), VCB (-1,1%), CTG (-1,1%), SSI (-4,7%), GAS (-2,3%), FPT (-1,7%)…
Tổng cộng rổ VN30 có tới 25 "tội đồ" trên tổng số 30 mã, tương ứng với tỷ lệ là 83% mã. Chỉ số giảm 1,25% kéo theo VN-Index giảm 1,09%, tương đương 13,37 điểm xuống 1.212,74 điểm. Đồng nghĩa với việc gần như hầu hết điểm số đã kiếm được trong phiên hôm qua đã bị trả lại.
Nhà đầu tư hầu như rất khó có thể xác nhận được đây là những vận động của phiên đáo hạn phái sinh hay do chịu tác động từ bối cảnh khu vực. Vì vậy, họ đã chủ động đẩy ra các lệnh bán trong phiên chiều để bảo vệ thành quả lợi nhuận.
Nhóm Chứng khoán không chỉ có SSI mà còn BSI (-7%), VND (-4,16%), VIX (-3,54%), HCM (-3,12%), FTS (-5,05%). Các nhóm Bất động sản, Đầu tư công, Thép, Bán lẻ cũng có diễn biến tương tự nhưng với lực bán nhẹ hơn: DXG (-3,5%), DIG (-2,83%), NVL (-1,62%), NKG (-1,97%), CII (-0,67%), VCG (-1,99%), DGW (-2,56%)…
Tổng cộng có 65% mã giảm so với 26,4% mã tăng giá khi khép phiên. Nhiều trường hợp như LCG (+1,03%), PC1 (+0,15%), HAH (+0,38%) lẽ ra đã có trạng thái đóng cửa tốt hơn nhưng cũng bị bào mòn thành quả do vận động chung của thị trường.
Dữ kiện đem lại hy vọng chỉ là việc thanh khoản có sự khởi sắc hơn, đạt 23.019 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh của HOSE đã vượt qua mức 20.000 tỷ đồng, đạt 21.643 tỷ đồng trong đó có 3 cổ phiếu đạt trên 1.000 tỷ đồng là HPG, SSI, STB.
Với HNX và UPCoM, biên độ giảm cũng đạt trên 1%. HNX-Index giảm 1,16% còn UPCoM-Index giảm 1,03%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.800 tỷ đồng.