Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cùng quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn
Ngày 21/9, Ủy ban Chính sách tiền tệ Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã bỏ phiếu quyết định tạm dừng tăng lãi suất, giữ nguyên ở mức 5,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) cũng đưa ra quyết định tương tự, bật chế độ “tạm dừng và xem xét”, giữ lãi suất ở mức hiện tại 1,75%.
Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã giữ lãi suất ở mức 5,25% cùng với dấu hiệu chỉ báo mức chi phí đi vay có thể đã lên đến đỉnh điểm sau gần hai năm tăng lãi suất.
Quyết định này đã đẩy đồng Bảng Anh xuống mức thấp nhất trong sáu tháng qua so với đồng USD khi các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc tăng lãi suất tiếp theo. Lãi suất thế chấp cũng dự kiến sẽ tiếp tục giảm sau quyết định này, sau khi một số ngân hàng công bố cắt giảm lãi suất cho vay trong tuần này. Sau khi có dữ liệu lạm phát tốt hơn dự kiến một ngày trước đó (lạm phát giảm xuống 6,7% trong tháng 8), Ủy ban Chính sách tiền tệ của BOE đã được chia 5 thành 4 để ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất, còn Thống đốc BoE Andrew Bailey là người bỏ phiếu cuối cùng và mang tính quyết định.
Đối với BOE, đây là lần tạm dừng đầu tiên sau 14 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ khi bắt đầu chu kỳ thắt chặt vào tháng 12/2021. Trước đó 1 ngày, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã bỏ phiếu để giữ lãi suất cơ bản ổn định sau khi chuỗi tăng lãi suất khiến chi phí đi vay lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khi tốc độ tăng giá chậm sau cú sốc lạm phát tồi tệ nhất trong 40 năm, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã tránh xa việc tuyên bố chiến thắng lạm phát nhưng đều đang phát tín hiệu rằng lãi suất đang ở hoặc gần mức đỉnh. Mặc dù Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) đưa ra rất ít bình luận về các hành động trong tương lai, nhưng đa số ủng hộ quyết định giữ nguyên lãi suất và chỉ ra rằng việc tăng lãi suất thêm có thể không cần thiết trong những tháng tới.
5 thành viên MPC đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc “duy trì” mức lãi suất hiện tại - thay vì tăng lên - cho đến khi đạt được tiến bộ trong việc đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%.
YaelSelfin, nhà kinh tế trưởng tại KPMG UK cho biết, lãi suất “có khả năng đã đạt đến đỉnh điểm trong chu kỳ này”, đồng thời lưu ý các quan chức BOE sẽ theo dõi dữ liệu để đảm bảo rằng chính sách đủ thắt chặt để giảm lạm phát. Chi phí vay thế chấp đã giảm kể từ giữa mùa hè và những tổ chức cho vay bao gồm NatWest, TSB và Nationwide đã công bố sẽ cắt giảm trong tuần này trong khi một số khác đưa ra lãi suất cố định 5 năm mới dưới 5%. Tuy nhiên, thị trường hoán đổi vẫn dự đoán khoảng 70% khả năng lãi suất chuẩn của BOE sẽ tăng trong quý cuối cùng lên 5,5%.
Thống đốc BOE Bailey cho biết, lạm phát ở Anh sẽ tiếp tục giảm nhưng cảnh báo “không có chỗ cho sự tự mãn” và các quan chức BOE không loại trừ hoàn toàn khả năng tăng lãi suất khác trong những tháng tới. MPC cho biết: “Sẽ cần phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ nếu có bằng chứng về áp lực lạm phát dai dẳng hơn”. Ủy ban cũng nhất trí tăng tốc độ thắt chặt định lượng trong năm tới, từ 80 tỷ Bảng Anh năm 2022-2023 lên 100 tỷ Bảng Anh vào năm 2023-2024. MPC cho biết, họ coi lãi suất là công cụ tích cực của chính sách tiền tệ, đồng thời cho biết thêm rằng tác động của việc bán tài sản lên chi phí đi vay là “khiêm tốn”.
Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) cũng giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 1,75%, lưu ý rằng lạm phát đã giảm ở Thụy Sĩ, nhưng cho biết không thể loại trừ việc thắt chặt hơn nữa.
Quyết định này - được các nhà phân tích mô tả là "sự tạm ngừng diều hâu" - đánh dấu lần đầu tiên SNB không tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022.
Thông báo này được đưa ra sau khi lạm phát của Thụy Sĩ ở mức 1,6% trong tháng 8, trong phạm vi mục tiêu 0-2% của SNB và khiến đồng franc Thụy Sĩ giảm tới 1% so với đồng Euro và đồng USD - mức giảm hàng ngày lớn nhất so với đồng Euro kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi tháng Ba vừa rồi.
Chủ tịch SNB Thomas Jordan nói: “Tình hình cho phép chúng tôi chờ đợi và xem xét lần đánh giá chính sách tiền tệ tiếp theo xem liệu các biện pháp đã thực hiện cho đến nay có đủ để giữ lạm phát trong phạm vi ổn định giá cả một cách bền vững hay không”.
Tuy nhiên, Chủ tịch SNB Jordan vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm nữa.
Ông nói: “Cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Áp lực lạm phát hiện tại vẫn còn và chúng tôi không biết chính xác liệu áp lực lạm phát này có tăng trở lại hay không.”
Ông nói thêm rằng SNB sẽ theo dõi tình hình “rất chặt chẽ” trong hai tháng tới và sẽ quyết định lại vào tháng 12 xem liệu có cần thắt chặt hơn nữa hay không.
Tại Thụy Sĩ, 5 đợt tăng lãi suất liên tiếp với tổng cộng 250 điểm cơ bản đã giúp đẩy lạm phát xuống từ mức đỉnh 3,5% của năm ngoái và giữ ở mức mục tiêu 0% -2% trong ba tháng qua.
Nadia Gharbi, nhà kinh tế cấp cao tại Pictet Wealth Management, cho biết: “Nhìn chung, SNB đang ở vị thế thoải mái hơn so với các ngân hàng trung ương khác, nhưng đúng như dự đoán, vẫn chưa giành được chiến thắng trong cuộc chiến lạm phát”. Tuy nhiên, bà cho rằng, để tránh lạm phát tăng bất ngờ, ngân hàng trung ương có lẽ đã không còn tăng lãi suất nữa.
“Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách không thay đổi trong một thời gian.”
Mặc dù SNB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 1% trong năm nay, các nhà phân tích cho biết SNB cũng đang tính đến sự chậm lại của nền kinh tế Thụy Sĩ, vốn đã trì trệ trong quý II.
Alessandro Bee, nhà kinh tế cấp cao tại UBS, cho biết: “Nền kinh tế Thụy Sĩ hiện đang phải đối mặt với lạm phát và rủi ro kinh tế. Bằng cách kiềm chế tăng lãi suất, mối lo ngại của SNB đã chuyển từ rủi ro lạm phát sang lo ngại về kinh tế”.
Cũng trong ngày 21/9, hai Ngân hàng trung ương thuộc châu Âu là Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) và Ngân hàng trung ương Na Uy đều có quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Như vậy, BOE và SNB là hai ngân hàng trung ương đã có sự phân cách trong chính sách tiền tệ so với Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) - tổ chức đã tiếp tục chuỗi tăng lãi suất lần thứ 10 của mình, đưa lãi suất tiền gửi lên mức cao kỷ lục 4% vào ngày 14/9 vừa qua.