Ngân hàng Singapore siết chặt giám sát khách hàng sau bê bối rửa tiền lên tới 2,4 tỷ đô la
Các ngân hàng ở Singapore đang tăng cường giám sát khách hàng từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và tăng cường nỗ lực xác định nguồn gốc của tài sản khi quốc đảo này đang lao đao vì vụ bê bối rửa tiền trị giá 2,4 tỷ đô la Singapore (1,8 tỷ đô la Mỹ).
Theo các nhà tư vấn tài sản, quản lý tài sản và ngân hàng cá nhân cao cấp, các định chế tài chính Singapore đã cảnh báo tới khách hàng và các nhà tư vấn rằng thời gian chờ đợi để mở tài khoản ngân hàng cá nhân cao cấp đã tăng từ dưới 1 tháng lên 3- 4 tháng.
Theo nguồn tin, một số tài khoản hiện tại đã bị đóng. Nguồn tin này cũng cho biết, việc yêu cầu thời gian xử lý lâu hơn không phải là sự thay đổi nguyên tắc mang tính chính thức mà phản ánh việc các cơ quan chức năng thắt chặt công tác thẩm định trong lĩnh vực tài chính sau khi một tổ chức rửa tiền xuyên quốc gia bị phát hiện vào tháng 8 vừa qua. Các tổ chức tài chính đang tập trung vào khách hàng từ các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Vanuatu, Thổ Nhĩ Kỳ, St Kitts và Nevis, Dominica và Síp.
Một cán bộ trong lĩnh vực ngân hàng cá nhân cao cấp cho biết: “Nếu bạn có hộ chiếu Trung Quốc hoặc sở hữu hộ chiếu từ bất kỳ quốc gia nào mà nghi phạm liên quan đến cuộc điều tra đã đến, chẳng hạn như Síp, Vanuatu hoặc Campuchia, bạn sẽ bị gắn “cờ đỏ” cảnh báo nguy hiểm tiềm ẩn”.
Sức hấp dẫn của Singapore với tư cách là một trung tâm tài sản ổn định và trung lập đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch COVID-19, với việc các nhà quản lý tài sản năm 2021 thu hút được dòng vốn mới trị giá 448 tỷ đô la vào Singapore, tăng 16% so với năm trước đó. Theo chính phủ nước này, số lượng văn phòng gia đình đã tăng từ con số rất khiêm tốn vào năm 2018 lên 1.100 vào cuối năm 2022. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), Ngân hàng trung ương nước này, đã gửi một thông báo vào tháng trước tới tất cả các tổ chức tài chính, bao gồm cả các nhà quản lý tài sản, hướng dẫn xem xét kỹ lưỡng các giao dịch với các nghi phạm cũng như các cá nhân và công ty có liên quan, theo hai giám đốc điều hành ngân hàng đã được xem thông báo.
Một số ngân hàng, bao gồm CIMB của Malaysia và chi nhánh Citigroup tại Singapore, đã được yêu cầu cung cấp tài liệu cho cuộc điều tra. Cảnh sát cũng đã kiểm soát hàng triệu đô la được giữ trong các tài khoản ở Credit Suisse và Bank Julius Baer của một trong những nghi phạm.
MAS cho biết trong một tuyên bố: “MAS coi vụ việc này nghiêm trọng và các hoạt động giám sát với các định chế tài chính này đang diễn ra”. “Với đặc điểm và quy mô các giao dịch, những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao thường phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt hơn của các tổ chức tài chính.” Ngân hàng trung ương nói thêm, họ “thường xuyên liên hệ” với các tổ chức được quản lý để giảm thiểu rủi ro tuy nhiên không chia sẻ những giao dịch đó vì chúng là bí mật.
Một Giám đốc phụ trách mảng quản lý tài sản cho biết: “Một phần lý do khiến việc tiếp nhận khách hàng mới từ một số nơi nhất định mất nhiều thời gian hơn là do các ngân hàng đang xem xét tỉ mỉ hồ sơ để đảm bảo các khách hàng mới này không có quan hệ kinh doanh nào với những người hoặc tổ chức trong danh sách của MAS”. Người này nói thêm: “Chúng tôi cũng đã thấy một số tài khoản cá nhân từ một số khu vực pháp lý đó bị đóng”. Giám đốc điều hành tại một công ty quốc tế khác có khách hàng bao gồm các văn phòng gia đình từ nhiều quốc gia châu Á cho biết, họ đã được thông báo thời gian xử lý tài khoản mới có thể mất hàng tháng do thủ tục nhận biết khách hàng (KYC) và các bước chống rửa tiền khác được thắt chặt.
“Hầu hết khách hàng thực sự khá hài lòng về điều này - nó mang lại cảm giác an toàn, rằng Singapore đang trấn áp mọi hoạt động bất hợp pháp”, người này nói. “Đó là dấu hiệu cho thấy Singapore đã phát triển ở mức độ cao với tư cách là một trung tâm tài chính”.
Vào ngày 15/8/2023, cảnh sát Singapore đã tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng với sự tham gia của hơn 400 sĩ quan vào một số căn nhà gỗ hạng sang và chung cư cao cấp trên khắp Singapore.
9 người đàn ông và 1 phụ nữ đã bị bắt và bị buộc tội vào ngày hôm sau với nhiều tội danh khác nhau, bao gồm rửa tiền từ các hoạt động tội phạm có tổ chức ở nước ngoài, lừa đảo và đánh bạc trực tuyến. Họ có độ tuổi từ 31 - 44 tuổi, gốc Trung Quốc và hiện có nhiều quốc tịch khác nhau.
Kể từ khi bị bắt, họ đã xuất hiện trước tòa nhiều lần qua liên kết video.
Bên công tố đã lập luận chống lại việc bảo lãnh cho 10 người này, với lý do rủi ro rò rỉ bằng chứng và thông đồng giữa họ.
Nhiều tài sản đã bị cảnh sát thu giữ và ban hành lệnh cấm thanh lý. Cụ thể: Cảnh sát đã tịch thu các tài khoản ngân hàng với tổng giá trị ước tính hơn 1,127 tỷ USD.
Tiền mặt, bao gồm cả ngoại tệ, lên tới hơn 76 triệu USD cũng bị thu giữ.
Các mặt hàng bị tịch thu khác bao gồm 68 thỏi vàng, 294 túi xách xa xỉ, 164 đồng hồ xa xỉ, 546 món trang sức, tiền điện tử trị giá hơn 38 triệu USD và 204 thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại di động.
Lệnh cấm thanh lý cũng được ban hành đối với hơn 110 tài sản và 62 phương tiện trị giá hơn 1,242 tỷ USD, cũng như các chai rượu, rượu vang và nhiều đồ trang trí.
Các lệnh cấm thanh lý có nghĩa là bị cáo không thể bán những món đồ này.
Tờ Straits Times hôm 28/8 đưa tin, các nhà điều tra cũng đang xem xét 24 người có liên quan đến các bị cáo, trong khi cảnh sát đang điều tra tài sản mà họ sở hữu và các hoạt động kinh doanh họ tham gia.
Bộ Luật pháp đã gửi thông báo vào ngày 27/8 tới các đại lý kinh doanh kim loại quý và đá quý để kiểm tra hồ sơ nhằm phát hiện các giao dịch đáng ngờ có thể xảy ra của 24 cá nhân này.
Cuộc điều tra đã mở rộng không chỉ các ngân hàng, đại lý kim loại quý mà còn cả các đại lý bất động sản và câu lạc bộ chơi gôn. Chính phủ Singapore cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về vụ việc và câu hỏi làm thế nào những sai sót đó có thể xảy ra bất chấp các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống rửa tiền.