Ngân hàng, công ty tài chính tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính
Hoạt động tăng vốn điều lệ tiếp tục được các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh nhằm củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh…
Tấp nập tăng vốn điều lệ
Cuối tháng 8 vừa qua, HĐQT VietinBank (CTG) công bố thông tin về việc phê duyệt việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020.
Cụ thể, ngân hàng này dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7415%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới. Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III hoặc IV/2023.
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ VietinBank sẽ tăng từ 48.057 tỷ đồng lên hơn 53.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016.
Cụ thể, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ sau khi phát hành thành công sẽ là 66.030 tỷ đồng.
Theo VietinBank, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Với Vietcombank, Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cũng đã thay đổi số lượng chứng khoán niêm yết với cổ phiếu của Vietcombank (VCB) kể từ ngày 30/8, nâng tổng số cổ phiếu giao dịch trên thị trường lên mức gần 5,6 tỷ cổ phiếu, sau khi ngân hàng này phát hành gần 857 triệu cổ phiếu mới ra thị trường để trả cổ tức.
Sau khi hoàn thành đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank chính thức đạt hơn 55.890 tỷ đồng, xếp vị trí thứ hai về vốn điều lệ trong nhóm ngân hàng niêm yết.
Ngay sau đó, hơn 377 triệu cổ phiếu mới của HDBank (HDB) cũng được thông báo đã lên sàn. Đây là lượng cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức của năm 2022. Vốn điều lệ của HDBank cũng tăng lên 29.076 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều ngân hàng khác như ACB, Eximbank, SeABank, SHB... cũng đã hoàn thành việc phát hành tăng vốn điều lệ.
Không chỉ có các ngân hàng “nô nức” tăng vốn, các công ty tài chính cũng đang “rục rịch” bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Quyết định số 1632/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung mức vốn điều lệ tại điều 1 trong Giấy phép thành lập và hoạt động số 208/GP-NHNN do NHNN cấp cho Công ty TNHH MTV Tài chính Toyota Việt Nam (Toyota Finance). Theo đó, vốn điều lệ của Toyota Finance tăng từ 700 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Thời gian phân phối trong vòng 90 ngày kể từ ngày 31/8/2023.
Theo đó, EVNFinance sẽ chào bán gần 351,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ thực hiện 1:1 (sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới). Đây là kế hoạch được Đại hội cổ đông thường niên 2022 của EVNFinance thông qua và được công ty triển khai từ tháng 5/2023.
Với giá chào bán là 11.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến EVNFinance sẽ thu về gần 3.862 tỷ đồng từ đợt chào bán.
EVNFinance cho biết sẽ dùng phần lớn số vốn thu về để tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ số (3.562 tỷ đồng), còn lại 300 tỷ đồng dành để tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính cho ngành năng lượng. Tiến độ sử dụng vốn dự kiến từ quý II đến quý IV/2023.
EVNFinance dự kiến tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 7.020 tỷ đồng sau khi phát hành hoàn tất.
Luôn là ưu tiên hàng đầu của TCTD
Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn và xếp hạng các TCTD. Việc tăng vốn điều lệ của các TCTD thời gian tới là cần thiết giúp các tổ chức này phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động.
Trong khi đó, với hệ số CAR của nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức thấp, dù các ngân hàng thương mại đã tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính nhưng so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn của ngân hàng Việt vẫn còn mỏng. Do vậy, việc tiếp tục tăng vốn điều lệ vẫn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng thương mại.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu với các TCTD (đặc biệt là với các ngân hàng thương mại có sở hữu Nhà nước). Dù hệ số CAR của các ngân hàng đã tăng trong thời gian qua nhưng vẫn khá thấp so với chuẩn mực Basel II và các ngân hàng thương mại khu vực (khoảng 12-14%), trong khi đó việc tăng vốn trong giai đoạn này còn gặp nhiều khó khăn.
Còn đối với các công ty tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, cũng giống như ngân hàng, nâng vốn điều lệ sẽ giúp các công ty tài chính củng cố năng lực tài chính bởi khi tăng vốn điều lệ, các công ty tài chính sẽ giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn. Mặt khác, tăng vốn điều lệ cũng giúp các công ty tài chính có điều kiện để đầu tư vào các tài sản dài hạn, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
“Trong bối cảnh sức khoẻ tài chính của các công ty tài chính suy yếu do điều kiện kinh tế khó khăn sau đại dịch, nhiều khoản vay trở thành nợ xấu. Điều này khiến lợi nhuận của các công ty tài chính giảm, thậm chí dẫn đến lỗ luỹ kế và bị khấu trừ vào vốn chủ sở hữu. Do đó, việc tăng vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng đối với công ty tài chính”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Để gia tăng nguồn lực cho các TCTD và để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn, các ngân hàng và công ty ty tài chính cần tiếp tục tăng vốn. Đây sẽ là tiền đề tạo điều kiện các TCTD dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các TCTD, cũng như tiết giảm chi phí, có điều kiện triển khai gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.