Hoạt động ngân hàng

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi vào đời sống hàng ngày

Ngô Hải 26/09/2023 - 14:34

Trước đây, khi nói tới thanh toán không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, thì giờ đây, thanh toán không dùng tiền mặt đã có mặt ở khắp mọi nơi và len lỏi trong mọi hoạt động thường nhật của đời sống xã hội.

pho-thong-doc.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo Hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai" do Báo Tiền Phong và Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 26/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, thanh toán thẻ có sự thay đổi rõ nét trong thời gian qua. Thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, và trong đời sống hằng ngày.

Thời gian qua, ngoài quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, khảo sát thực tiễn để ban hành 2 thông tư về thanh toán và tín dụng.

Trong đó, có thông tư cho phép ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử (không chỉ có bảo lãnh giấy thông thường); cùng đó, từ ngày 1/9/2023, cho phép ngân hàng cho vay điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng với giá trị tối đa 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng cho phép ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của người vay, không yêu cầu bắt buộc phải giải ngân vào tài khoản của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Từ tháng 3/2021, NHNN cũng cho phép các ngân hàng sử dụng giải pháp eKYC (xác thực sinh trắc học) trong thanh toán, cung cấp dịch vụ.

Cũng theo Phó Thống đốc, mọi hoạt động kinh tế đều liên quan tới thanh toán, từ mua tới bán dịch vụ, nhận và trả tiền. Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hoá thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng.

"Gần đây đã nghe ý kiến từ các ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng, và Ngân hàng Nhà nước cũng rất trăn trở là để phát hành thẻ, các ngân hàng đang giảm phí rất mạnh, có loại thẻ giảm tới 50% để hỗ trợ thanh toán thẻ, đặc biệt thẻ mang thương hiệu quốc tế", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Qua đó có thể thấy, các giải pháp từ cơ chế chính sách, kỹ thuật, kinh tế đã cơ bản đầy đủ để khuyến khích phát triển thanh toán thẻ, không dùng tiền mặt. Bên cạnh việc phải đảm bảo an ninh, anh toàn và bảo mật trong thanh toán, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, việc phát triển các sản phẩm thẻ và thanh toán cần quan tâm đến 2 chữ “tiện và lợi”. Bởi, dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế.

“Tôi hy vọng ngày 6/10 tới, chúng ta sẽ cùng được trải nghiệm thực tế về công nghệ thẻ được trình diễn tại “Ngày Hội Thẻ Việt Nam”, cùng đó là lắng nghe, ghi nhận phản hồi của người dùng về sản phẩm của chúng ta. Vì dù có nói hay, nhưng phản hồi của người dùng không tốt thì cũng không giải quyết được gì”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh

Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng;

Đến tháng 6/2023, có 82 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng; qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng và 8,79% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị).

Hệ thống ATM, POS cũng được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính đến cuối tháng 7/2023, toàn thị trường hiện có hơn 21.360 ATM, hơn 477.900 POS (tăng tương ứng 3,31% và 28,86% so với cùng kỳ năm 2022).

Ngô Hải