Vấn đề - Nhận định

Giáo dục tài chính cho sinh viên: Nhiệm vụ cần thiết và nên phổ cập toàn diện

M.Đ 27/09/2023 08:30

Giáo dục tài chính cho sinh viên là nhiệm vụ cần thiết, để mỗi sinh viên trở thành chuyên gia về tài chính, giúp lan tỏa kiến thức cho cộng đồng và xã hội.

gen-z.jpg
Giáo dục tài chính cho sinh viên là nhiệm vụ cần thiết, để mỗi sinh viên trở thành chuyên gia về tài chính. (Ảnh minh họa)

Hướng đến mỗi sinh viên khi ra trường sẽ trở thành chuyên gia tài chính

Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” vừa diễn ra. Trước sự quan tâm của các đại biểu về việc giáo dục tài chính cho sinh viên, chia sẻ tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Kinh doanh ngân hàng – Khoa ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết, Học viện Ngân hàng luôn xác định giáo dục tài chính cho sinh viên là nhiệm vụ cần thiết. Đây là 1 trong 3 nhiệm vụ quan trọng nhất của việc giáo dục tài chính toàn diện quốc gia. Học viện đã thực hiện nhiều giải pháp để giáo dục tài chính cho sinh viên như trong tuần lễ công dân đầu năm học có nội dung nâng cao ý thức tài chính cá nhân cho tân sinh viên.

Trong quá trình giảng dạy, Học viện rất chú trọng đưa các nội dung giáo dục tài chính để tạo khung lý thuyết cơ bản cho sinh viên để sau khi ra trường, mỗi sinh viên sẽ trở thành chuyên gia về tài chính và giúp lan tỏa kiến thức cho cộng đồng và xã hội.

ba-do-thu-ha.jpg
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Kinh doanh ngân hàng – Khoa ngân hàng, Học viện Ngân hàng

Học viện còn chú trọng phối hợp với các đơn vị như Vụ Truyền thông của Ngân hàng Nhà nước để tổ chức các cuộc thi về học thuật, kỹ năng cho sinh viên như cuộc thi hiểu biết về tiền, nhà ngân hàng tương lai. Học viện Ngân hàng luôn coi trọng vai trò giáo dục tài chính của học sinh sinh viên trong thời gian qua.

Bà Đỗ Thị Thu Hà đánh giá, thế hệ gen Z rất thông minh nhanh nhạy, trở thành người tiêu dùng trong tương lai. Vì vậy, Học viện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong thanh toán và trong các tất cả công tác tài chính, kế toán của học viện như tích hợp thẻ sinh viên với thẻ ngân hàng để sinh viên có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại mà không phải xếp hàng nộp học phí như trước đây; sử dụng nhiều phương thức hiện đại như chuyển khoản, ví điện tử hoặc các phương thức khác.

“Thông qua các hoạt động này, thời gian gần đây, nhận thức của sinh viên về tài chính cá nhân cũng như rủi ro của sinh viên nói riêng, người tiêu dùng nói chung về sử dụng thẻ nói chung đã giảm thiểu nhiều. Đó cũng là một phần hiệu quả giáo dục trong nhà trường”, bà Hà nhận định.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, không chỉ Học viện Ngân hàng mà tất cả các trường đại học nên phổ cập toàn diện về giáo dục tài chính.

ts-nguyen-quoc-hung.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Với việc một số trường đại học đã kết hợp với ngân hàng thực hiện thanh toán học phí thông qua thẻ nội địa, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định, đây là hình thức rất mới, song vẫn còn chưa thuận tiện như Visa, Mastercard nên trong thời gian tới cần phải cải thiện thêm.

Nhóm khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Về sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, ông Lê Phương Hải, Phó Tổng Giám đốc Vietcredit cho biết, trong tệp khách hàng mà Vietcredit định vị hướng tới thì sinh viên là phân khúc thành công nhất, có tỷ lệ trả nợ tốt nhất. Hạn mức cho sinh viên là 5 triệu đồng, mức trả thấp nhất hàng tháng 300.000 đồng, cấn trừ lãi gốc do Vieicredit tự làm trên hệ thống.

ong-le-phuong-hai.jpg
Ông Lê Phương Hải, Phó Tổng Giám đốc Vietcredit

"Việc để sinh viên tiếp cận với thẻ tín dụng từ sớm, biết thế nào là vay nợ, trả nợ sẽ giúp các em có thể đương đầu với bài toán lớn hơn khi bước vào đời. Đến nay, Vietcredit có hơn 1 triệu khách hàng đăng ký thẻ, trong đó có hơn 500.000 thẻ đang hoạt động, chiếm hơn 50% thẻ tín dụng nội địa... Đối với sinh viên, Vietcredit không cần quản lý nhiều nhưng nợ quá hạn lúc nào cũng dưới 1%", ông Lê Phương Hải nói thêm.

Bên cạnh các ưu điểm, Phó Tổng Giám đốc Vietcredit cũng chỉ ra những khó khăn khi tiếp cận đối tượng khách hàng sinh viên. Nếu làm theo phương thức trực tiếp thì chi phí khá lớn so với hạn mức chỉ 5 triệu đồng. Hạn mức như vậy không đem lại doanh thu lớn.

"Tuy nhiên, với sự góp sức công nghệ, chuẩn hoá căn cước công dân quốc gia, xác thực bằng chữ ký, chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều chi phí. Mới đây, Vietcredit đã phát hành được thẻ tín dụng sinh viên mọi lúc mọi nơi, không cần tiếp xúc, không cần chứng minh khách hàng là sinh viên. Bởi, chúng tôi có liên kết với các trường đại học. Công đoạn xác thực, thẩm định giảm bớt, giúp kéo giảm chi phí", ông Lê Phương Hải chia sẻ.

ba-nguyen-kim-oanh.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank

Đánh giá về tiềm năng phát triển thị phần và sản phẩm thẻ phục vụ nhóm khách hàng trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, nhóm khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, nhóm khách hàng trẻ chiếm hơn 50% tập khách hàng trung cấp của Vietcombank.

Nhận định nhóm khách hàng Gen Z luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, có hứng thú với công nghệ số, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân và sự độc lập của mình, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, những sản phẩm dịch vụ của Vietcombank sẽ đáp ứng sự yêu thích tự do và thể hiện cá tính của giới trẻ, đồng thời hỗ trợ người trẻ trong việc quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch cho tương lai để người trẻ có những bước khởi đầu vững chắc trong cuộc sống và sự nghiệp của mình.

M.Đ