Yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong toàn ngành Ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 7436 NHNN-VP yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Nhà máy in tiền Quốc gia, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.
Văn bản nêu rõ, thực hiện Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/ 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Thống đốc NHNN yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của các đơn vị khẩn trương chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCC tại các trụ sở do đơn vị quản lý, trong đó:
Tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật hiện hành, văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến công tác PCCC, nhất là Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5 / 2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của NHNN về tăng cường công tác PCCC.
Cùng với đó, tổ chức rà soát tổng thể các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị, trong đó:
Tập trung rà soát, kiểm tra lại các phương tiện, thiết bị PCCC hiện có ở đơn vị và xây dựng kế hoạch bảo trì, sửa chữa, thay thế các phương tiện đã quá thời hạn sử dụng, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC theo quy định hiện hành.
Rà soát, bổ sung những tư trang, thiết bị còn thiếu phục vụ công tác PCCC, đặc biệt lưu ý trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC cần thiết cho các khu vực trọng yếu như kho tiền và những điểm dễ xảy ra cháy, nổ.
Đồng thời. rà soát, ban hành đầy đủ các nội quy, quy định về công tác bảo vệ và công tác PCCC tại đơn vị. Tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ, đội PCCC của đơn vị theo quy định. Chủ động xây dựng các phương án, bố trí đầy đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra nhằm bảo đảm an toàn trụ sở, kho tàng, tài sản của cơ quan, đơn vị và hạn chế tối đa thiệt hại nếu xảy ra sự cố.
Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong việc đảm bảo an toàn trụ sở, tài sản, kho tàng và công tác PCCC, trong đó nội dung tuyên truyền, hướng dẫn phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong việc thực hiện các quy định về PCCC. Tăng cường tổ chức tập huấn, diễn tập phương án PCCC định kỳ và đột xuất, nhất là hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng xử lý và thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện các quy định, điều kiện về an toàn PCCC trong cơ quan, đơn vị để xem xét trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc và kịp thời phát hiện, khắc phục các sơ hở, thiếu sót, vi phạm. Nghiêm túc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra các vụ cháy, nổ tại cơ quan, đơn vị (nếu có).
Kịp thời báo cáo NHNN hoặc các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền và kiến nghị, đề xuất (nếu có) nhằm tăng cường công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị và trong toàn ngành ngân hàng.
Thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy định của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn về công tác PCCC. Khi xảy ra sự cố phải phối hợp chặt chẽ, báo cáo kịp thời diễn biến sự cổ, đề xuất các kiến nghị cần thiết với chính quyền địa phương và cơ quan PCCC địa phương.
Thống đốc NHNN yêu cầu người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của các đơn vị quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác PCCC và chịu trách nhiệm trước Thống đốc, các cấp có thẩm quyền về việc triển khai công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị phụ trách. Đối với trụ sở NHNN TW tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản trị đầu mối chịu trách nhiệm về công tác PCCC.