Kết nối

Hà Nội: Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn

Đoàn Hằng 27/09/2023 - 14:38

Với chủ trương thúc đẩy thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển hệ sinh thái trong ngành sản xuất chất bán dẫn, được sự đồng ý của UBND TP. Hà Nội, ngày 27/9, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Tập đoàn VinaCapital đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm “Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư”.

Tọa đàm là buổi gặp gỡ, trao đổi chia sẻ thông tin giữa đại diện lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành, trường đại học công nghệ và một số tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất chíp bán dẫn như: Tập đoàn Foxconn, Công ty Synopsys; Tập đoàn Marketech International; Công ty MediaTek Capital...

Chương trình Tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề về: Định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; chính sách, giải pháp để phát triển hệ sinh thái trong ngành công nghiệp bán dẫn; trao đổi các giải pháp, cơ chế chính sách của nhà nước và TP. Hà Nội cần thực hiện để phát triển ngành, thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn...

20230927_083830.jpg
Hà Nội: Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn

Nhiều tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư FDI

Ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, trong hơn 30 năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam và là nguốn vốn quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…. Trong tiến trình chung đó, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhờ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng của Thủ đô, đồng thời, Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.

“Với tinh thần cầu thị và sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt các nhà đầu tư/doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn”, ông Lê Anh Quân nhấn mạnh.

Chia sẻ về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại TP. Hà Nội, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, với vị thế trung tâm, hạ tầng đồng bộ, nhân lực tập trung, cơ chế chính sách đặc thù… Hà Nội có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, Hà Nội đã quan hệ hợp tác với 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, số dự án có hiệu lực là 7.226 dự án, với tổng vốn đăng ký là 62,5 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước). Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD.

Hiện tại Hà Nội có: 11 khu công nghiệp (2.930 ha) đã xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy là 60%; 1 khu công nghiệp (368 ha) đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (Khu công nghiệp Nam Hà Nội, giai đoạn II); 3 khu công nghiệp (663,4 ha) đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư (khu công nghiệp cao sinh học, khu công nghiệp Quang Minh II, khu công nghiệp sạch Sóc Sơn); 3 khu công nghiệp (586,8 ha) đã có quy hoạch, đang triển khai một phần công tác chuẩn bị đầu tư (khu công nghiệp Đông Anh, khu công nghiệp Bắc Thường Tín, khu công nghiệp Phụng Hiệp).

Các lĩnh vực nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài chính là: Xây dựng, bất động sản, chiếm 31%; công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 30%; thương mại, dịch vụ, chiếm 22%; các lĩnh vực khác là 17%.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Don Lam, Đồng Sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, trong các hoạt động song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ trong chuyến công tác dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tập đoàn VinaCapital đã chức cuộc họp của Thủ tướng với các nhà đầu tư lớn tại New York. Trong cuộc họp này, rất nhiều nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ, công nghệ chip bán dẫn…

“Chúng tôi thấy, đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. TP. Hà Nội là địa phương vô cung có thuận lợi trong phát triển ngành công nghiệp này”, ông Don Lam chia sẻ và hy vọng: “Với sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia hội nghị ngày hôm nay. Hy vọng, đầu năm 2024 có ít nhất 5 doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư trực tiếp vào TP. Hà Nội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”.

“Dọn tổ, đón đại bàng” trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

Chia sẻ về định hướng thu hút vốn FDI thời gian tới, ông Vũ Duy Tuấn cho biết, Hà Nội hướng đến việc thu hút vốn đầu tư FDI có chọn lọc, tập trung vào: Dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường; sản phẩm, dịch vụ có giá trị thương mại cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Để thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài việc ban hành các chính sách toàn diện và hạ tầng đồng bộ, Hà Nội sẽ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong khu công nghiệp, như: Ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi về thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất đai, ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về phát triển thị trường…”, ông Vũ Duy Tuấn nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo, giao các Sở, ngành, đơn vị của TP. Hà Nội triển khai một số nhiệm vụ, gồm:

Thứ nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Danh mục dự án xúc tiến đầu tư làm cơ sở kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu; thường xuyên kết nối với Quỹ VinaCapital và các công ty, tập đoàn có nhu cầu đầu tư tại Hà Nội để tiếp thu các đề nghị, giải đáp vướng mắc, hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư sớm xem xét, triển khai các hoạt động đầu tư tại Hà Nội.

Thứ hai, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, cơ chế đầu tư và các điều kiện cần thiết khác phục vụ thu hút đầu tư các dự án nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn; đảm bảo tuân thủ đúng mục tiêu, tôn chỉ của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, đảm bảo được mục tiêu gắn kết giữa khoa học và sản xuất.

Thứ ba, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ sở đào tạo trên địa bàn TP. Hà Nội nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn.

Thứ tư, đề nghị các trường Đại học, Cao đẳng quan tâm nghiên cứu thúc đẩy hợp tác, mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng cho Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Thứ năm, giao Trường Cao Đẳng nghề Chất lượng cao Hà Nội nghiên cứu, xây dựng đề án/chương trình/kế hoạch liên kết, hợp tác đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Thứ sáu, giao các Sở, ngành liên quan chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất, thực hiện thủ tục triển khai dự án với sự quan tâm cao nhất.

Đoàn Hằng