Các Hiệp hội ngành, nghề

Thu tiền nhưng chưa trồng rừng đủ, 4 địa phương phải chuyển về Quỹ chung hơn 275 tỷ đồng

Thanh Thanh 27/09/2023 18:27

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (QBVPTR) giai đoạn 2020-2022 tại 4 địa phương, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã xác định diện tích còn phải trồng rừng thay thế là hơn 2.274 ha với số tiền trồng rừng thay thế phải chuyển về QBVPRT Việt Nam là hơn 275 tỷ đồng…

Quảng Ninh “dẫn đầu” về diện tích còn phải trồng rừng thay thế

Theo kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng QBVPTR giai đoạn 2020-2022 tại 4 tỉnh là: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP Hải Phòng, trong giai đoạn 2020 - 2022, 3/4 địa phương được kiểm toán đã thành lập QBVPTR cấp tỉnh (trừ tỉnh Hải Dương chưa thành lập, giao Sở NN&PTNT thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ theo quy định).

Từ khi thành lập Quỹ đến ngày 31/3/2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470,01 ha rừng (rừng tự nhiên 170,09 ha, rừng trồng 5.299,92 ha) sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế 5.607,54 ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64 ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng); diện tích còn phải trồng rừng thay thế 2.274,07 ha, trong đó, nhiều nhất là Quảng Ninh với 2.065,69 ha; Hải Dương 28,05 ha; Bắc Giang 128,12 ha; Hải Phòng 52,21 ha.

Về thu - chi QBVPTR giai đoạn 2020 - 2022 đến ngày 31/3/2023, tổng số thu trong kỳ hơn 541 tỷ đồng (thu tiền trồng rừng thay thế gần 492 tỷ đồng, dịch vụ môi trường rừng hơn 36 tỷ đồng, còn lại là thu lãi tiền gửi, QBVPTR Việt Nam điều chuyển); số đã chi là gần 107 tỷ đồng (chi trồng rừng thay thế gần 87 tỷ đồng, dịch vụ môi trường rừng hơn 17 tỷ đồng, còn lại chi quản lý, dự phòng chi); số dư cuối kỳ là gần 518 tỷ đồng (Quảng Ninh hơn 445 tỷ đồng; Hải Dương gần 7,7 tỷ đồng; Bắc Giang gần 34 tỷ đồng; Hải Phòng hơn 31 tỷ đồng), trong đó, số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế là hơn 275 tỷ đồng phải nộp về QBVPTR Việt Nam.


Còn nhiều bất cập

Báo cáo của KTNN cũng chỉ ra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (SDR), chuyển loại rừng, ban hành kế hoạch trồng rừng thay thế và ban hành văn bản quản lý vẫn đang bất cập tại các địa phương được kiểm toán.

Tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với 2 dự án. Tỉnh Hải Dương, Bắc Giang chưa ban hành Quyết định chuyển mục đích SDR sang mục đích khác đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế (Hải Dương 5 dự án, Bắc Giang 35 dự án) theo quy định tại khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43 Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Tỉnh Hải Dương thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng với 3,9624 ha sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624 ha rừng sản xuất sang mục đích khác (thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37 TP Chí Linh). Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, địa phương chưa thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng đặc dụng 3,9624 ha do đã chuyển loại rừng đặc dụng thành rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích SDR như nêu trên.

UBND tỉnh Bắc Giang trình, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích SDĐ rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty CP tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5 ha (rừng phòng hộ 2,04 ha và rừng sản xuất 0,46 ha) để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.


Tại tỉnh Bắc Giang và TP Hải Phòng, khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương đã không xác định rõ thuộc trường hợp UBND tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích SDR sang mục đích khác (Thông tư 13) hoặc trường hợp địa phương không còn quỹ đất quy hoạch phát triển rừng để trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 13.


KTNN cũng chỉ rõ: Địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích SDR, diện tích rừng trồng thay thế (Quảng Ninh 1.913,64 ha, Bắc Giang 128,12 ha chưa giao kế hoạch); Diện tích còn phải trồng rừng thay thế đến 31/3/2023 tại 4 địa phương là 2.274,07 ha (Quảng Ninh 2.065,69 ha; Hải Dương 28,05 ha; Bắc Giang 128,12 ha; Hải Phòng 52,21 ha); số tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng chưa địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế cần phải chuyển tiền trồng rừng thay thế về QBVPTR Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 4 Thông tư 13 là hơn 275 tỷ đồng (Quảng Ninh gần 249 tỷ đồng; Bắc Giang hơn 23 tỷ đồng; Hải Phòng hơn 3,1 tỷ đồng).

Là địa phương có số tiền trồng rừng thay thế phải chuyển về QBVPTR Việt Nam nhiều nhất, nhưng theo Báo cáo kiểm toán, địa phương này cũng chưa báo cáo, chưa chuyển tiền về QBVPTR Việt Nam.

Hoàn thiện cơ chế chính sách
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh cụ thể đổi với từng địa phương, đặc biệt là xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Đặc biệt, KTNN đã chỉ ra những bất cập trong cơ chế chính sách như: Quy định hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng trồng; Quy định xử phạt vi phạm hành chính, tính lại đơn giá tại thời điểm nộp, phạt chậm nộp khi phát sinh trường hợp chậm nộp tiền trồng rừng thay thế; Quy định về thẩm quyền chuyển loại rừng đặc dụng và chuyển mục đích SDR đặc dụng tại Luật Lâm nghiệp…

Xem xét, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành bổ sung quy định để xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế của các chủ dự án khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác và quy định tính lại đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế.

Trong đề xuất kiến nghị với Bộ NN&PTNT, KTNN kiến nghị Bộ này cần ban hành văn bản quy định, hướng dẫn xác định hệ số điều chỉnh (K1) mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với trữ lượng rừng cho rừng trồng làm cơ sở xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong chuyển loại rừng đặc dụng sang rừng khác tương ứng với thẩm quyền chuyển mục đích SDR đặc dụng sang mục đích khác quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp để tránh quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, thống nhất.

Đồng thời Báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung quy định về thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tại điểm a khoản 2 Điều 69, điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 156/2028/NĐ-CP đối với các địa phương có mức chi trả hằng năm cho 1 đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng thấp theo hướng UBND cấp tỉnh quyết định thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Thanh Thanh