Thị trường

"Thương nhân Trung Quốc chờ giá nếp giảm thêm nữa mới mua vào"

Nguyễn Huyền 28/09/2023 16:45

Nếp vụ Hè Thu vẫn còn dù không nhiều, vụ Thu Đông sắp thu hoạch, nếp chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng giá nếp Việt Nam đang cao hơn giá nếp tại nội địa Trung Quốc từ 70-80 USD/tấn, các thương nhân Trung Quốc không mua hàng khiến thị trường gạo nếp trở nên trầm lắng.

xk-gao.jpeg

Thị trường Trung Quốc luôn có nhu cầu lớn về gạo nếp và các loại gạo thơm như ST21, ST24, ST25 ... vì vậy các chủng loại gạo này đang được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc.

Năm nay, lượng quota mà Chính phủ Trung Quốc dành nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào khoảng 1 triệu tấn, tuy nhiên việc mua gạo hay gạo nếp tùy nhà nhập khẩu nước này quyết định. Theo tính toán của một số thương nhân Trung Quốc, lượng quota nhập khẩu gạo Việt Nam hiện còn khoảng trên dưới 30.000 tấn, như vậy 8 tháng đầu năm nay, lượng gạo nếp và gạo các loại các thương nhân Trung Quốc đã nhập khẩu từ Việt Nam đạt khoảng 970 ngàn tấn.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình nhập khẩu gạo phía Trung Quốc khá trầm lắng do các thương nhân nước này đang trông chờ loại gạo ST24, ST25 nhất là gạo nếp của Việt Nam giảm giá mới mua thêm cho hết quota.

Theo AgroMonitor, sáng ngày 25/9/2023, nếp Long An vụ Hè Thu có giá 13.300-13.400 đồng/kg, lượng mới có ít; nếp An Giang vụ Hè Thu có giá dao động từ 14.600-14.700 đồng/kg, ít giao dịch, nhu cầu chậm.

Một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở TP. Hồ Chí Minh vừa có chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang thu hoạch vụ mùa lớn nhất trong năm cũng gọi là “lúa một mùa”. Mùa này Trung Quốc thu hoạch chủ yếu nếp hạt dài, gạo hạt tròn Đông Bắc và một số gạo thơm hạt dài, vụ thu hoạch này được tính là bội thu nên gần đây tình hình nhập khẩu của Trung Quốc khá im ắng.

Nhằm cung cấp nguyên liệu bột nếp làm các loại bánh phục vụ Tết Trung Thu và Quốc Khánh, tháng 8/2023, thương nhân Trung Quốc tập trung ký hợp đồng mua nếp Việt Nam khá nhiều, với giá mua từ 590-600 USD/tấn.

Tuần qua, lượng nếp mua của Việt Nam hồi tháng 8 cũng đã tới cảng Trung Quốc khá nhiều nhưng bán ra chậm, do giá gạo nếp nội địa Trung Quốc đã giảm khoảng 20 USD/tấn. Hiện giá gạo nếp Việt Nam vẫn đứng ở mức 580-590 USD/tấn, nên một số khách Trung Quốc chờ giá nếp giảm xuống mức 565-570 USD/tấn mới nhập thêm, hoặc chờ gạo ST24, ST25 giá xuống mức 720-730 USD/tấn mới mua vào cho hết lượng quota còn lại.

Ngày 27/9, giá gạo nếp nội địa Trung Quốc tiếp tục giảm xuống mức 530 USD/tấn (FOB), so với giá mua từ 590-600 USD/tấn, thì họ đã lỗ từ 70-80 USD/tấn.

“Quota xuất khẩu thị trường Trung Quốc chỉ còn khoảng 20.000-30.000 tấn, và thương nhân Trung Quốc dành lượng quota này mua gạo hạt dài là chủ yếu, hoặc chờ đợi giá nếp hay gạo ST24, ST25 giảm thêm mới mua vào. Tuy nhiên, giá gạo ST24 và ST25 sẽ khó xuống ở mức này”, doanh nghiệp này nói.

Theo một số doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng nếp của khu vực này vào khoảng 800-900 tấn/năm, lượng nếp trong dân cũng như tại kho các doanh nghiệp không còn nhiều. Hiện nay giá gạo nếp lên container vào khoảng 13.400 đồng/kg, như vậy giá bán ra phải trên 560 USD/tấn. Bây giờ đã qua cao điểm thương nhân Trung Quốc mua nếp phục vụ Tết Trung Thu và Quốc khánh ở nước này nên thị trường trầm lắng, phải chờ đến các dịp lễ, tết cuối năm nhu cầu nếp ở Trung Quốc sẽ tăng mạnh trở lại, khi đó các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, thị trường nếp đang trầm lắng nên bán ra khá chậm, vì giá nếp ở Việt Nam đang cao hơn so với giá nội địa Trung Quốc nên khách mua chưa chấp nhận giá này, vì vậy, Công ty Việt Hưng chỉ giao những hợp đồng ký trước, chưa ký được hợp đồng mới.

“Lúc trước, nếp xuất đi Trung Quốc có giá từ 600-610 USD/tấn, cuối tháng này công ty sẽ giao xong các hợp đồng cũ, còn hợp đồng mới vẫn chưa ký được, do giá mua nếp ở Việt Nam cao hơn giá bán tại thị trường Trung Quốc khoảng 10 USD/tấn. Giá nếp của Việt Nam đang cao hơn giá bán ra tại nội địa Trung Quốc nên khách chỉ muốn mua giá 570-580 USD/tấn. Hiện giá nếp trong nước cũng đang được kéo xuống mà chưa xuống được như kỳ vọng của khách mua Trung Quốc”, ông Đôn nói.

Theo ông Đôn, mặc dù thị trường nếp đang trầm lắng, do khách mua Trung Quốc đè giá nhưng để chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp lễ, tết cuối năm dự kiến khoảng cuối tháng 10 tới đây, thương nhân Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh thu mua thêm một đợt nữa để cung ứng hàng cho thị trường dịp cuối năm nhưng không biết giá bao nhiêu.

“Bà con nông dân vẫn đang so sánh giá nếp với giá gạo nên vẫn muốn bán giá cao hơn nhưng hiện nay giá gạo cũng đang xuống rồi”, ông Đôn lưu ý.

Nguyễn Huyền