Bất động sản

Nhà ở giá rẻ: "Tử huyệt" của thị trường bất động sản

Minh Đức 30/09/2023 09:00

Bổ sung nguồn cung, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội,... là gợi ý của các chuyên gia nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi.

nha-o-xa-hoi.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thống kê mới đây của Savills Hà Nội cho thấy, nguồn cung nhà ở xã hội cho công nhân hiện vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu thực tế của công nhân lao động, còn thiếu hụt tới 70%.

Nhận định về những khó khăn của phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, tiền tệ quốc Quốc gia cho rằng, đây phân khúc thiếu nhất hiện nay và cần phải bổ sung thêm nhiều nguồn cung để thị trường được phát triển dựa trên giá trị thực.

Tuy nhiên, đối với vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong giai đoạn hiện tại vẫn chưa làm được. "Mặc dù chúng ta cũng đã tập trung xử lý cho một số doanh nghiệp nhưng thị trường nhà ở giá rẻ vẫn chưa đâu vào đâu, chưa có tiến triển nào về thủ tục, chính sách, tài chính. Đây là “tử huyệt” của thị trường, mà tôi cho rằng, nên tập trung vào tháo gỡ phân khúc này để thúc đẩy thị trường bất động sản đi lên" TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng khuyến nghị, cần thành lập quỹ cho vay nhà ở hoặc quỹ tín thác nhà ở để cho vay mua nhà ở giá rẻ. Cùng với đó, cần có chính sách để những nhà phát triển bất động sản giá rẻ không quá thiệt thòi về tài chính so với nhà phát triển bất động sản thương mại.

"Ví dụ quy định lợi nhuận chỉ 15%, nhà phát triển phải xác định ai là đối tượng chính sách để cho mua, nếu sai phải chịu trách nhiệm hình sự là không hợp lý. Chính vì nhiều trách nhiệm đổ lên đầu như vậy nên chủ đầu tư mới không muốn làm", TS. Lê Xuân Nghĩa lý giải.

Chỉ ra những vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, hiện chưa có những ưu đãi trong việc lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội; điều kiện mua nhà ở xã hội như cư trú, thu nhập… vẫn còn nhiều rắc rối.

Đồng tình với quan điểm thị trường bất động sản thiếu phân khúc này, ông Hoàng Hải cho rằng, nhà ở xã hội và nhà có giá phù hợp là giải pháp quan trọng để bổ sung nguồn cung phù hợp cũng như điều tiết thị trường.

Nhận định nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là động lực để thị trường bất động sản phục hồi, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cho rằng cơ hội phục hồi là rất lớn khi hiện nay đang có hơn 400 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, Chính phủ phát triển quỹ phát triển nhà ở xã hội, bởi chính sách kinh tế nhân văn, vừa giúp phát triển kinh tế thị trường, vừa đem đến tác động lớn với an sinh xã hội.

Trước vai trò của phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, thời gian qua Chính phủ đang ra sức quyết liệt để phục hồi thị trường này. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý không giải quyết theo hướng giúp thị trường phục hồi trở lại theo hướng tăng nóng mà giúp cho thị trường trở lại bằng việc hướng đến nhu cầu thực.

Về giải pháp, tại Báo cáo nghiên cứu: Thị trường Bất động sản Việt Nam - Hành trình vượt bão và động lực phục hồi do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp thực hiện, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần tăng cung nhà ở giá rẻ.

Cụ thể, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần thúc đẩy phân khúc nhà ở giá rẻ, tăng mạnh nguồn cung, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Muốn vậy, cần sự hỗ trợ của Chính phủ cho phân khúc nhà ở giá rẻ không được làm ảnh hưởng đến động lực lợi nhuận của các nhà đầu tư phát triển dự án và không buộc họ phải chịu ràng buộc bởi các chính sách về đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội. Nói cách khác, phải giải phóng doanh nghiệp bất động sản tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ khỏi các ràng buộc của chính sách, khuyến khích miễn thuế, quyền sử dụng đất...

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phải hướng trực tiếp đến người mua nhà, bao gồm cả chính sách tín dụng cũng như đối tượng được thụ hưởng chính sách. Có như vậy, nhà ở xã hội mới tăng nhanh và khủng hoảng cơ cấu phân khúc sẽ sớm được khắc phục.

Với những chính sách đó, bất động sản sẽ có mội mặt bằng giá mới, không bị đầu cơ và mặt bằng giá này sẽ tái cấu trúc thị trường.

Minh Đức