Các Hiệp hội ngành, nghề

Nguồn cung nội địa cạn kiệt kéo giảm lượng tiêu xuất khẩu trong các tháng cuối năm

Nguyễn Huyền 30/09/2023 - 09:11

Dự báo xuất khẩu hạt tiêu các tháng cuối năm sẽ duy trì ở mức thấp do nguồn cung nội địa đã cạn kiệt và nhu cầu tại thị trường chính Hoa Kỳ và EU chưa thực sự khởi sắc. Mặc dù xuất khẩu hạt tiêu từ đầu năm đến ngày 15/9 tăng đến 17,16% so với cùng kỳ năm trước.

tieu-xk.jpg

Suốt thời gian qua Việt Nam luôn giữ vững vị trí số 1 thế giới về sản xuất, xuất khẩu hạt tiêu, chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần hạt tiêu toàn cầu và là quốc gia cung cấp chính hạt tiêu cho các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc …

Top 5 thị trường xuất khẩu chính, Hoa Kỳ có mức giảm thấp nhất

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 9/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7.215 tấn hạt tiêu, trị giá 26,432 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày báo cáo, xuất khẩu hạt tiêu đạt 195.274 tấn, trị giá 641,936 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng mạnh 17,16% về lượng, nhưng giảm đến 12,96% về giá trị, do giá xuất khẩu giảm đến 26,3%.

Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục giảm trong ngắn hạn, bất chấp số liệu công bố cho thấy, sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất giảm.

Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương ước tính, tổng lượng hạt tiêu tồn và nhập khẩu đạt khoảng 80.000 tấn, trong khi tiêu thụ nội địa khoảng 10.000 tấn và lượng hàng tồn chuyển qua năm sau khoảng 30.000 tấn, sẽ còn lại khoảng 50.000 tấn để xuất khẩu cho các tháng cuối năm nay.

Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.741 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 8,1% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.273 USD/tấn, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn chung, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu sang top 5 thị trường chính lần lượt là: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Đức và Hà Lan đều giảm mạnh từ 21 – 24% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ riêng thị trường số 1 Hoa kỳ có mức giảm thấp nhất 17,2%.

Theo đó, tháng 8/2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường chủ lực Hoa Kỳ đạt 4.496 tấn, trị giá 17,90 triệu USD, so với tháng 8/2022 giảm 4,3% về lượng nhưng giảm đến 22,1% về trị giá. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường này đạt 33.728 tấn, với kim ngạch đạt 135,23 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 17,2% về lượng và giảm mạnh 32,1% về kim ngạch.

Lượng xuất khẩu hạt tiêu sẽ giảm trong các tháng cuối năm

VPSA cho biết, sản lượng hạt tiêu năm 2023 của Việt Nam ước đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022. Đến thời điểm này, Việt Nam đã bán phần lớn lượng hạt tiêu thu hoạch trong vụ mùa năm nay nhưng nhờ nhập khẩu và tồn kho từ những năm trước vẫn còn nên nguồn cung hạt tiêu vẫn đáp ứng được phần nào nhu cầu. Trong khi đó, người mua tiếp tục theo dõi sát triển vọng vụ mùa năm 2024 và chưa quyết định mua vào cho các kỳ hạn giao xa ở mức giá cao.

Dự đoán, hiện tượng El Nino sẽ diễn ra vào cuối năm và kéo dài đến đầu năm sau sẽ dẫn tới khô hạn, thiếu mưa và có thể làm giảm sản lượng hạt tiêu Việt Nam trong năm tới. Sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022.

Theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), giá hạt tiêu thế giới sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn bất chấp số liệu công bố cho thấy sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất giảm. Hiện Việt Nam đã không còn sản lượng hạt tiêu của vụ mùa năm 2023. Kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, người dân thắt chặt chi tiêu là nguyên nhân khiến các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU giảm nhập khẩu hạt tiêu. Dự báo từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ và EU sẽ tiếp tục trầm lắng.

Do nguồn cung nội địa không còn dồi dào, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam vào các tháng cuối năm sẽ duy trì ở mức thấp, cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc. Trong các tháng cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ lượng hàng nhập khẩu và tồn kho từ trước.

Để xuất khẩu hạt tiêu tăng trưởng bền vững hơn, đặc biệt là tại thị trường EU, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho rằng, hiện chất lượng sản phẩm tiêu Việt Nam không đồng đều, chủ yếu cạnh tranh bằng phân khúc thấp, tình trạng hóa chất vượt quá ngưỡng quy định của thị trường EU còn tồn tại, chế biến tinh, chế biến sâu chưa phát triển chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chưa xây dựng được thương hiệu tiêu.

Do vậy, ngành tiêu cần thu hút đầu tư của doanh nghiệp phát triển chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Thâm nhập trực tiếp vào kênh tiêu dùng cuối cùng như siêu thị, dịch vụ thực phẩm và ngành chế biến thực phẩm. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu tiêu Việt Nam.

Nguyễn Huyền