Lý do nhiều chuyên gia tin giá dầu khó duy trì ở ngưỡng 100USD/thùng
Nguồn cung dầu từ các nước sản xuất dầu thô lớn của thế giới khan hiếm đã đẩy giá dầu lên ngưỡng khoảng 100USD/thùng, nhiều người không khỏi lo ngại đến khả năng nhu cầu dầu sẽ giảm mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 63 cent so với ngưỡng đóng cửa của ngày thứ Năm và chốt lại phiên giao dịch cuối cùng của quý III/2023 ở mức 96,01USD/thùng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, việc giá dầu tăng như vậy có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tại Công ty Wood Mackenzie, ông Sushant Gupta, cảnh báo: “Có những dấu hiệu cho thấy giá dầu có thể chạm ngưỡng 100USD/thùng, tuy nhiên tính dễ tổn thương của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khả năng nhu cầu quý I/2024 thấp mang tính chu kỳ sẽ khiến cho việc giá dầu tăng không giữ được lâu”.
Trong báo cáo nghiên cứu công bố vào ngày thứ Sáu vừa qua, các chuyên gia thuộc ING phát đi tín hiệu thị trường dầu đang trong trạng thái quá bán.
Ở mức giá đóng cửa của phiên ngày thứ Sáu vừa qua, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng khoảng gần 30% tính từ mốc 71USD/thùng vào đầu tháng 7/2023 - khi mà chính phủ các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh hạ sản lượng xuống dưới mức nhu cầu.
Điều này đã khiến nhiều chuyên gia dự báo về khả năng giá dầu chạm mức 100USD/thùng, cũng như khả năng áp lực lạm phát leo thang và nhiều ngân hàng trung ương sẽ buộc phải hành động để kiềm chế lạm phát.
Phiên ngày thứ Tư của tuần vừa rồi, giá dầu tăng 3,6% sau khi Mỹ công bố dự trữ dầu thô thương mại rơi xuống ngưỡng thấp nhất tính từ cuối tháng 12/2022. Thông tin này khiến cho nhiều nhà đầu tư tin rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng và vì vậy họ mua vào nhiều hơn.
Tuy nhiên, bất chấp thông tin liên quan đến khủng hoảng nguồn cung, rất ít chuyên gia phân tích tin rằng, việc giá dầu duy trì trên ngưỡng 100USD/thùng sẽ không thể duy trì được. Phần lớn các chuyên gia phân tích thị trường tin giá dầu sẽ dao động trong ngưỡng gần 90USD/thùng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, giá dầu quý IV/2023 sẽ trung bình ở ngưỡng khoảng 88USD/thùng.
Giá dầu cao đang làm suy giảm nhu cầu. Người Mỹ đang lái xe và đi máy bay ít hơn, theo phân tích của JP Morgan, nguyên nhân chính bởi giá xăng và nhiên liệu máy bay cao. Tiêu thụ xăng trong tháng 7/2023 tại Mỹ giảm hơn so với bình thường. Nhiều hãng máy bay công bố doanh thu ở ngưỡng thấp nhất trong kỳ vọng của họ.
Tăng trưởng nhu cầu đi lại của Trung Quốc hiện cũng đang giảm sau khoảng thời gian tăng trưởng bùng nổ bởi người Trung Quốc đua nhau đi lại ngay khi chính phủ gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Tiêu thụ nhiên liệu máy bay giờ đây đã hồi phục lên gần sát ngưỡng trước đại dịch COVID-19. Trung Quốc đồng thời cũng đã bắt đầu sử dụng đến dự trữ dầu thô riêng, tăng cường năng lực khai thác và xuất khẩu thêm nhiên liệu.
Trung Quốc hoàn toàn có khả năng làm điều này và hưởng lợi, theo phân tích của trưởng bộ phận hàng hóa tại Citigroup – ông Ed Morse. Lý do chính là bởi Trung Quốc có dự trữ dầu thô lớn đã tích trữ được trong hơn 3 năm qua khi liên tục mua vào dầu giá rẻ, chủ yếu từ Nga và Iran.
Ngân hàng UBS cho rằng nếu giá dầu ở trên ngưỡng 100USD/thùng trong thời gian dài, các doanh nghiệp sản xuất dầu của Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng sản lượng đủ để kéo giá dầu xuống.
"Ngay cả ở ngưỡng giá hiện tại, xuất khẩu từ Iran, Iraq, Libya, Nigeria hay Venezuela vốn đã ở ngưỡng cao bất chấp việc các nước này vẫn đang bị trừng phạt hoặc gián đoạn sản xuất", Ngân hàng Citigroup nhấn mạnh.
Các chuyên gia phân tích vẫn cho rằng, giá dầu vẫn có thể chịu tác động bởi cú sốc nguồn cung, hoạt động đầu cơ, các diễn biến trên thị trường dầu và bất ổn kinh tế.
Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng cao hơn nữa, không loại trừ khả năng Saudi Arabia sẽ cố gắng kéo giá dầu giảm trở lại bằng việc sử dụng đến dự trữ. Chính quyền Saudi Arabia hiện đang hài lòng với ngưỡng giá dầu hiện tại, theo phân tích của chuyên gia năng lượng cao cấp tại CIBC – bà Rebecca Babin.