3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.
Kết quả chưa được như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực
Tình hình thế giới tháng 9 và 9 tháng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, phục hồi kinh tế chậm, tăng trưởng thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nợ công tăng cao… trong đó có các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; nhiều quốc gia vẫn duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ; thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, bất động sản chưa thực sự ổn định; giá dầu tăng cao cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu... Những vấn đề này đã và đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức, rủi ro cho các quốc gia đang phát triển, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, thách thức bên trong.
"Kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phục hồi khả quan, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng, tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Bên cạnh đó, CPI tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng tăng 3,16%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 75,5% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 9 lần lượt tăng 3,6%, 4,6% và 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng ước xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 6,9 tỷ USD). Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát theo chỉ tiêu của Quốc hội. An ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), lương thực, thực phẩm được bảo đảm.
Đáng chú ý, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện, quý III tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,7%, quý II tăng 5,5%). Tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới tăng 43,6%; FDI thực hiện đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2%. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (46,7%) và số tuyệt đối cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng qua, Chính phủ cũng đã tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý quyết liệt, hiệu quả nhiều vấn đề tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án đường cao tốc liên vùng, công trình hạ tầng chiến lược, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Đồng thời, công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân; các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...được quan tâm, chú trọng, triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả.
Kịch bản tăng trưởng và giải pháp trọng tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn; tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô,...
Do đó, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.
Cụ thể, có 3 kịch bản được Bộ đưa ra, trong đó cao nhất là 6%. Với kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Theo ông Dũng, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
"Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, tại phiên họp, Bộ KH&ĐT cũng đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Thứ nhất, chuẩn bị chu đáo, tổ chức thực hiện các công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương 8, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Thứ hai, tập trung tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, địa phương các giải pháp, chính sách đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư.
Thứ ba, tập trung thúc đẩy thị trường trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.
Thứ tư, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, tranh thủ cơ hội xuất khẩu từ FTA đã ký kết, đẩy nhanh đàm phán đã ký kết...
Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.
Song song với các giải pháp trên, Bộ KH&ĐT cho rằng cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chíp, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân.
Tiếp tục chú trọng phát triển toàn diện văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế...; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế; sự lãnh đạo, quyết sách của Đảng, Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.