Nghiên cứu - Trao đổi

Khai phá "mỏ vàng" cho ngành Ngân hàng phát triển bền vững

Minh Đức 03/10/2023 06:05

Là kênh cung ứng tài chính thiết yếu, là giải pháp quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tuy nhiên tín dụng xanh vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. Do vậy thời gian tới, sẽ cần rất nhiều giải pháp thiết thực và hành động cụ thể để có thể khai phá "mỏ vàng" cho ngành Ngân hàng phát triển bền vững.

tin-dung-xanh.jpg
Khai phá "mỏ vàng" cho ngành Ngân hàng phát triển bền vững

Cấp thiết nhưng vẫn mới và phát triển chưa tương xứng

Nắm bắt được vai trò quan trọng và xu thế tất yếu của tài chính xanh, những năm trở lại đây, các ngân hàng đều thể hiện việc tăng cường thúc đẩy tín dụng xanh. Song theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì đến tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh mới đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng nhấn mạnh rằng ngành Ngân hàng là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, cần xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.

Thời gian qua, cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay các dự án xanh, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Đánh giá về vấn đề này, tại tọa đàm trực tuyến "Tín dụng xanh: Mỏ vàng để ngân hàng phát triển bền vững" vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Nguyện - Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của tăng trưởng, phát triển tín dụng xanh nên nhận thức và hành động chưa được tương xứng như kỳ vọng. Do vậy, việc tăng trưởng như hiện tại là hợp lý với thực tế. Tín dụng xanh vẫn tăng trưởng đều đều, hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh khẳng định khái niệm tín dụng xanh còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Chính phủ thể hiện quyết tâm thực hiện nền kinh tế xanh ở COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021), COP27 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022). Tức là chỉ mới vài năm trở lại đây, Việt Nam mới quan tâm nhiều hơn tới phát triển, tăng trưởng bền vững.

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, trước đây, kinh tế Việt Nam tập trung vào vấn đề tăng trưởng hơn là tăng trưởng bền vững, tức kinh tế "nâu"- điều thường thấy ở các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển bền vững trở thành nhu cầu cấp thiết, ở các quốc gia, thậm chí là các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc thời gian qua cũng thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa. Vì các quốc gia thấy đó là nhu cầu cấp thiết, cũng như nhìn thấy giá đắt phải trả cho nền kinh tế "nâu" là thế nào - đó là một tương lai không bền vững.

"Những năm qua, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã được quan tâm hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ tín dụng xanh so với tổng cơ cấu tín dụng ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn, nhưng tôi tin, trong tương lai, sẽ tăng lên", ông Huân nhấn mạnh.

Ở góc độ ngân hàng, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank nhận định, tín dụng xanh là lĩnh vực mới, nhiều doanh nghiệp đã có nhu cầu tiếp cận tín dụng xanh, nên ngân hàng cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện dần trong việc ra các giải pháp tín dụng xanh phù hợp cho các đơn vị. Doanh nghiệp, ngân hàng ngày càng quan tâm đến tín dụng xanh, như một cách để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế xanh, do vậy, xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai.

Khẳng định tín dụng xanh mới làm từ năm 2015, bà Văn Thành Khánh Linh - Phó Tổng Giám đốc BVBank cho biết BVBank cũng không ngoại lệ, bắt đầu triển khai tín dụng xanh khi có Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước và cùng với ngành Ngân hàng, BVBank đang nỗ lực từng ngày để thay đổi thói quen, tiếp cận tín dụng xanh và tiêu chuẩn xanh đối với từng cá nhân cán bộ ngân hàng, tâm lý khách hàng.

Khai phá "mỏ vàng": Thách thức và giải pháp

Dù đã xuất hiện 8 năm và có những tín hiệu nhất định trong tăng trưởng tín dụng xanh, song thị trường tín dụng xanh ở Việt Nam vẫn được đánh giá là khá mới mẻ.

Ông Trần Hoài Phương cho rằng: Tín dụng xanh tại Việt Nam trong xu hướng phát triển, còn bởi yêu cầu từ thị trường nước ngoài, yêu cầu doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sản phẩm được, phải chứng minh lộ trình sản xuất xanh, nên thời gian qua, nhiều đơn vị quan tâm tới tín dụng xanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng thì lĩnh vực tín dụng xanh cũng đối mặt nhiều thách thức, như: một số doanh nghiệp tìm đến tín dụng xanh còn non trẻ, chưa tạo nhiều dấu ấn, thành tựu rõ nét, nên ngân hàng thường cân nhắc kỹ lưỡng hơn, trước khi quyết định cho vay.

"Trong thực tế, chưa nhiều doanh nghiệp hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững. Ở một số doanh nghiệp, có ngành nghề không xanh, vậy liệu họ sẽ phải ngừng một số hoạt động?. Chúng tôi cũng đặt câu hỏi, để phát triển kinh tế xanh, liệu một số ngành, ngành nghề sẽ không còn, hoặc nằm trong khu vực nào đó để có thể quản lý được?. Ngoài ra, mỗi ngân hàng thương mại có giới hạn cho vay, tăng trưởng tín dụng mỗi năm, nên chúng tôi cũng không thể theo ý mình, phải tuân theo quy định tăng trưởng tín dụng nói chung", ông Trần Hoài Phương bày tỏ.

Bà Văn Thành Khánh Linh thì cho rằng rào cản trong phát triển cho vay xanh là tâm lý người đi vay thường ngần ngại khi phải thay đổi quy trình sản xuất, phải làm các bản đánh giá tác động hay khi ngân hàng tới kiểm tra nơi sản xuất... Bản thân doanh nghiệp bị sức ép trong và sau COVID khi kinh tế khó khăn đòi hỏi phải cắt giảm chi phí. Nhưng để đủ tiêu chuẩn cấp tín dụng, doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn xanh, điều đó đồng nghĩa với việc phải tốn thêm nhiều chi phí.

Bà Khánh Linh dẫn chứng, trước đây, khi các ngân hàng hồ hởi về điện mặt trời, BVBank cũng theo trào lưu. Tuy nhiên vài năm gần đây, các chủ đầu tư dự án điện mặt trời gặp khó khăn, đến từ kinh nghiệm đầu tư của họ chưa đủ, bản thân các ngân hàng lần đầu làm với họ nên không tính đủ vốn đầu tư, chi phí đầu vào, đầu ra.

"Khó khăn khác là rào cản về chính sách giá điện của nhà nước đối với điện mặt trời cũng thay đổi. Vì dịch COVID nên nhiều doanh nghiệp không kịp tham gia được vào chính sách ưu đãi 20 năm của Nhà nước về giá điện dẫn đến bị trễ. Chúng tôi cấp tín dụng cho họ nhưng, khi họ không kịp tham gia, phải thực hiện theo giá điện mới thì không đủ chi phí đầu tư", bà Khánh Linh chia sẻ.

Về giải pháp để biến tín dụng xanh thành "mỏ vàng" cho ngành Ngân hàng phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Nguyện đã đưa ra 5 giải pháp chính, bao gồm:

Thứ nhất là vấn đề pháp lý. Đây là chỗ dựa vững chắc nhất và hoàn thiện trong quá trình triển khai. Do vậy, cần tổng hợp, đúc kết các khó khăn, vướng mắc rồi ban hành những văn bản mới theo hướng thực tiễn để lĩnh vực này phát triển vững chắc.

Thứ 2 là khâu truyền thông. Đây là khâu rất quan trọng với mọi lĩnh vực, mọi đối tượng.

Thứ 3 là phát triển thị trường để có nguồn tài chính: thị trường vốn, sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đặc biệt, nếu có sàn giao dịch tín chỉ carbon, sẽ sôi động thị trường và lượng giao dịch sẽ tốt hơn. Và từ nguồn bán được, sẽ đầu tư lại để có nguồn vốn bền vững.

Thứ 4 là phát hành tín phiếu xanh để huy động trên thị trường quốc tế.

Thứ 5 là thành lập một hiệp hội tăng trưởng xanh, để trong quá trình triển khai thì cùng nhau trao đổi vướng mắc, khó khăn để phản ánh với chính quyền địa phương hay cao hơn nữa là Chính phủ.

TS. Nguyễn Hữu Huân thì cho rằng, để xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, không chỉ nói về vai trò của bên cung, mà cần phải có cầu.

"Đầu tiên, nên giáo dục cho thế hệ trẻ (từ mẫu giáo, tiểu học, trung học, đến đại học) về ý thức trách nhiệm môi trường, ý thức trách nhiệm với xã hội, coi đó như bài học phải có, đưa vào chương trình giảng dạy các cấp. Với các thế hệ hiện nay, phải có chương trình hành động ngay để thay đổi ý thức với môi trường, xã hội. Khi nhu cầu tiêu dùng thay đổi theo hướng xanh hóa, họ chỉ mua sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường, sẽ là lực đẩy cho kinh tế xanh, doanh nghiệp sẽ phải chuyển đổi để bán được hàng. Khi đó, kinh tế xanh mới có tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế", TS. Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.

Cùng với đó, TS. Huân cũng kiến nghị, cần có biện pháp, hành lang pháp lý kiểm soát để tín dụng xanh, kinh tế xanh không phải là phong trào, tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ hô hào khẩu hiệu, tìm mọi cách để tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh nhưng không có sự thay đổi thực chất theo hướng xanh hóa.

Minh Đức