Hỏi - Đáp

Hợp đồng hoán đổi lãi suất là gì ?

T.H 03/10/2023 07:30

Hợp đồng hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swap Contract) là một thỏa thuận trong đó hai bên tham gia đồng ý thanh toán cho mỗi bên các luồng tiền theo định kì được tính toán dựa trên một mức lãi suất nhất định và một khoản tiền danh nghĩa xác định.

Hoán đổi lãi suất là giao dịch trong đó các bên thực hiện trao đổi lãi của một đồng tiền sang lãi của một đồng tiền khác. Việc trao đổi vốn gốc đầu kỳ và/hoặc giảm dần/tăng dần trong kỳ do hai bên thỏa thuận thực hiện hoặc không thực hiện nhưng hai bên cam kết trao đổi khoản vốn gốc vào cuối kỳ theo tỷ giá đã được thỏa thuận từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Ngoài ra chung ta còn biết đến khái niệm: Hợp đồng xoáp hay hợp đồng hoán đổi (swap arrangements) là việc bán một ngoại tệ nhưng đồng thời ký hợp đồng mua lại nó vào một thời điểm nào đó trong tương lai; hoặc mua một ngoại tệ nhưng đồng thời lại ký hợp đồng bán lại nó vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Mục tiêu của các hợp đồng loại này là cung cấp khối lượng phương tiện thanh toán cần thiết cho nền tài chính quốc tế.

Các điều khoản chính của một hợp đồng hoán đổi lãi suất gồm:

- Ngày khởi phát của hợp đồng

- Thời hạn của hợp đồng

- Các mức lãi suất làm cơ sở thanh toán (lãi suất cố định và thả nối)

- Tần suất thanh toán luồng tiền

- Giá trị danh nghĩa của hợp đồng (căn cứ để xác định luồng tiền thanh toán) và đồng tiền định danh.

Dạng hợp đồng hoán đổi lãi suất phổ biến nhất là hợp đồng hoán đổi lãi suất cố định với lãi suất thả nổi, còn gọi là hoán đổi lãi suất giản đơn (plain vanilla swaps).

Với loại hợp đồng hoán đổi lãi suất này, một bên sẽ thanh toán các luồng tiền tính theo một lãi suất thả nổi, bên còn lại thanh toán luồng tiền được xác định theo một mức lãi suất cố định (đơn vị tiền tệ thanh toán là như nhau cho cả hai luồng tiền).

Lưu ý, vì hai luồng thanh toán đều tính theo một loại tiền tệ nên các bên tham gia hợp đồng không nhất thiết phải trao đổi giá trị danh nghĩa vào thời điểm khởi đầu và kết thúc hợp đồng mà chỉ cần tiến hành bù trừ ròng nghĩa vụ giữa hai bên.

Ngoài ra, ở hợp đồng hoán đổi lãi suất, việc cả hai luồng thanh toán cùng đươc xác đinh theo một lãi suất cố định giống nhau không bao giờ xảy ra. Hợp đồng chỉ được thiết kế theo hai dạng: Một bên thực hiện nghĩa vụ thanh bán theo lãi suất cố định và một bên thanh toán theo lãi suất thả nổi, hoặc cả hai bên cùng thanh toán theo lãi suất thả nổi.

Phân loại hợp đồng hoán đổi lãi suất

Với sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh nói chung, thị trường hợp đồng hoán đổi nói riêng, các sản phẩm hoán đổi ngày càng trở nên đa dạng, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau. Bên cạnh đồng hoán đổi lãi suất giản đơn nói trên còn có thể kể đến một số loại hợp đồng hoán đổi sau:

- Hợp đồng hoán đổi cơ sở (basis swaps): Là dạng hợp đồng hoán đổi mà cả hai bên tham gia hợp đồng đều trả lãi suất thả nổi. Việc này cho phép các định chế tài chính phòng ngừa rủi ro đối với các tài sản nợ và tài sản có được định giá theo các mức lãi suất thả nổi khác nhau. Loại hợp đồng này cho phép một tổ chức tài chính chuyển một tỷ giá thả nổi này thành một tỷ giá thả nổi khác và thường được sử dụng để trao đổi thanh khoản.

- Hợp đồng hoán đổi đường cong lợi suất (yield curve swaps): Thuộc nhóm hợp đồng hoán đổi cơ sở, trong đó các bên tham gia thỏa thuận trao đổi các khoản thanh toán dựa trên sự chênh lệch lãi suất tại hai điểm trên một đường cong lãi suất cho trước.

- Một số giao dịch hoán đổi có giá trị vốn gốc thay đổi:

+ Hoán đổi giảm dần (amortising swaps) là hợp đồng hoán đổi trong đó số tiền gốc danh nghĩa giảm đi vào một số thời điểm trước khi kết thúc giao dịch hoán đổi. Khoản tiền gốc danh nghĩa được gắn với một công cụ tài chính cơ bản có số dư nợ gốc giảm dần (phân bổ), chẳng hạn như một khoản thế chấp. Giao dịch hoán đổi khấu hao chỉ là một trao đổi của các dòng tiền, không phải số tiền gốc.

Nhược điểm của giao dịch hoán đổi là nếu lãi suất giảm, tốt hơn hết chủ sở hữu tài sản không nên tham gia giao dịch hoán đổi. Khi lãi suất giảm, họ vẫn phải trả số tiền cố định cho giao dịch hoán đổi. Nếu họ không tham gia giao dịch hoán đổi, họ sẽ chỉ đơn giản là được hưởng lợi từ lãi suất thế chấp thấp hơn.

+ Hoán đổi tăng dần (accreting swaps) là hợp đồng hoán đổi trong đó số tiền gốc danh nghĩa tăng lên vào một số thời điểm trước khi kết thúc giao dịch hoán đổi.

+ Hoán đổi (tăng giảm) hỗn hợp (roller coaster swaps) là hợp đồng hoán đổi trong đó số tiền danh nghĩa không cố định mà thay đổi trong những kì thanh toán khác nhau.

- Hoán đổi mô phỏng công cụ không trả lãi cuống phiếu định kỳ (zero-coupon swaps) là hợp đồng hoán đổi lãi suất cố định với lãi suất thả nổi, trong đó luồng tiền thanh toán theo lãi suất thả nổi được trả định kì trong khi khoản thanh toán theo lãi suất cố định được trả một lần khi hợp đồng đáo hạn.

Giao dịch hoán đổi zero-coupon là một hợp đồng phái sinh được ký kết bởi hai bên. Một bên thực hiện các khoản thanh toán thả nổi thay đổi theo công bố trong tương lai của chỉ số lãi suất (ví dụ: LIBOR, EURIBOR, v.v.) mà tỷ lệ được chuẩn. Bên kia thanh toán cho bên kia dựa trên lãi suất cố định đã thỏa thuận.

- Hoán đổi kì hạn (forward swaps/deferred swaps) là hợp đồng hoán đổi bắt đầu có hiệu lực vào một thời điểm cụ thể trong tương lai. Song lãi suất đã được ấn định trước vào ngày giao dịch.

- Hoán đổi xác định lãi suất sau (delayed-ratesetting swaps) là hợp đồng hoán lãi suất cố định với lãi suất thả nổi, trong đó hợp đồng bắt đầu có hiệu lực ngay lập tức (vào ngày giao dịch) nhưng lãi suất cụ thể lại được xác định sau.

- Hoán đổi lãi suất trần (rate-capped swaps) là hợp đồng trong đó lãi suất thả nổi được giới hạn bởi một mức trần.

- Hoán đổi đảo vị (reversible swaps) là hợp đồng hoán đổi trong đó bên trả và bên nhận các luồng tiền thanh toán đổi vai trò cho nhau một hoặc nhiều lần trong thời gian hiệu lực của giao dịch hoán đổi.

- Hoán đổi chênh lệch (differential swaps) là hợp đồng hoán đổi trong đó thanh toán giữa hai bên vẫn được thực hiện bằng một loại tiền tệ duy nhất, nhưng một trong hai luồng tiền được xác định theo lãi suất gắn với một loại tiền tệ thứ hai.

- Hoán đổi có thể chấm dứt trước khi đáo hạn (callable swaps/putable swaps) hợp đồng hoán đổi lãi suất cố định với lãi suất thả nổi, trong đó bên trả lãi suất cố định và nhận lãi suất thả nổi (với callable swap) hoặc bên nhận lãi suất cố định và trả lãi suất thả nổi (với putable swap) có quyền chấm dứt giao dịch hoán đổi trước khi hợp đồng đáo hạn.

- Hoán đổi có thể gia hạn là hợp đồng hoán đổi trong đó một bên có quyền kéo dài thời hạn của giao dịch hoán đổi.

Giống như hầu hết các khoản đầu tư có thu nhập cố định của phi chính phủ, hoán đổi lãi suất bao gồm hai rủi ro chính: Rủi ro lãi suất và rủi ro tín dụng, được gọi trong thị trường hoán đổi là rủi ro đối tác.

T.H