BIS và 3 Ngân hàng Trung ương thử nghiệm thành công dự án CBDC xuyên biên giới
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và các ngân hàng trung ương của Pháp, Singapore và Thụy Sĩ đã kết thúc thành công Dự án Mariana.
Dự án đã thử nghiệm giao dịch và thanh toán xuyên biên giới các loại tiền kỹ thuật số bán buôn của ngân hàng trung ương (wCBDC) giữa các tổ chức tài chính, sử dụng các khái niệm công nghệ tài chính phi tập trung (DeFi) mới trên một nền tảng chuỗi khối (blockchain) công khai. Dự án Mariana được phát triển bởi 3 Trung tâm Đổi mới thuộc BIS - Trung tâm Thụy Sĩ, Singapore và trung tâm đổi mới thuộc hệ thống Eurosystem - cùng với Ngân hàng Trung ương Pháp, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Tính khả thi của ý tưởng dự án đã thử nghiệm thành công với hoạt động giao dịch và thanh toán xuyên biên giới bằng đồng euro, đô la Singapore và đồng franc Thụy Sĩ kỹ thuật số giả định giữa các tổ chức tài chính mô phỏng.
Quá trình này dựa trên 3 yếu tố:
Tiêu chuẩn mã token kỹ thuật chung được tạo ra bởi 1 chuỗi khối công khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi và tương tác giữa các loại tiền tệ khác nhau.
Cầu nối cho việc chuyển khoản wCBDC liền mạch giữa các mạng lưới khác nhau.
Đơn vị tạo lập thị trường tự động (AMM) là một loại sàn giao dịch phi tập trung cụ thể để giao dịch và thanh toán các giao dịch ngoại hối giao ngay một cách tự động.
Đối với Dự án Mariana, AMM đã tập hợp các đồng euro, đô la Singapore và đồng franc Thụy Sĩ kỹ thuật số bán buôn giả định, với các thuật toán cải tiến cho phép các giao dịch mua bán ngoại tệ (FX) giao ngay được định giá, thực hiện tự động và thanh toán ngay lập tức. Các thế hệ cơ sở hạ tầng thị trường tài chính tiếp theo có thể sử dụng các giao thức này để xử lý giao dịch và thanh toán xuyên biên giới giữa các tổ chức tài chính.
Cấu trúc của Dự án Mariana cân bằng nhu cầu giám sát và tự chủ trong nước của các ngân hàng trung ương với lợi ích của các tổ chức tài chính trong việc nắm giữ, chuyển khoản và thanh toán wCBDC xuyên biên giới một cách hiệu quả. Điều này đạt được là do việc sử dụng tiêu chuẩn mã token chung trên chuỗi khối công khai, cho phép tạo khả năng tương tác và trao đổi liền mạch của wCBDC trên các hệ thống thanh toán nội địa của các ngân hàng trung ương tham gia. Do đó, Mariana đưa ra những cách tiếp cận khả thi để đưa yếu tố quốc tế vào các thiết kế wCBDC hiện tại.
Vì công nghệ token hóa và DeFi vẫn còn non trẻ nên cần có các nghiên cứu và thử nghiệm thêm. Trung tâm Đổi mới BIS và các đối tác toàn cầu sẽ tiếp tục khám phá những lợi ích và thách thức dựa trên các trường hợp sử dụng có liên quan.
Dự án Mariana hoàn toàn mang tính thử nghiệm và không chỉ ra rằng bất kỳ ngân hàng trung ương đối tác nào có ý định phát hành wCBDC hoặc chứng thực DeFi hoặc một giải pháp công nghệ cụ thể. Đây là dự án đầu tiên liên kết nhiều trung tâm thuộc Trung tâm Đổi mới của BIS.
Cecilia Skingsley, người đứng đầu Trung tâm Đổi mới BIS, cho biết: “Dự án Mariana đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ mới cho thị trường ngoại hối liên ngân hàng. Nó đã chứng minh thành công việc trao đổi CBDC bán buôn xuyên biên giới là khả thi bằng cách sử dụng các khái niệm mới như các nhà tạo lập thị trường tự động. Tập hợp một đội ngũ kỹ sư phần mềm, các chuyên gia chính sách và chuyên gia ngoại hối ở 3 Trung tâm Đổi mới và các ngân hàng trung ương là chìa khóa dẫn đến thành công này.”
Emmanuelle Assouan, người phụ trách về ổn định tài chính và vận hành tại Ngân hàng Trung ương Pháp, cho biết: “Mariana là một thử nghiệm mới ở một số khía cạnh: chúng tôi đã phát triển một giải pháp thực tế để trao đổi nhiều CBDC trong một mạng lưới toàn cầu có thể tương tác với các nền tảng khu vực mà ở đó, đồng CBDC của từng khu vực pháp lý được ban hành; đây có thể là tiền đề cho hoạt động thanh toán xuyên biên giới trong tương lai. Mariana cũng cung cấp phân tích chuyên sâu về các nhà tạo lập thị trường tự động, mở ra cơ hội cho thị trường ngoại hối dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Vẫn còn nhiều điều cần khám phá để cải thiện thanh toán xuyên biên giới: Mariana là nền tảng cho tham vọng của các cơ quan công quyền trong lĩnh vực này.”
Sopnendu Mohanty, Giám đốc Fintech của MAS cho biết: “Sự hợp tác giữa Singapore, Thụy Sĩ và Pháp này đã chứng minh tiềm năng của các mạng mở và có thể tương tác. Dự án đã khám phá ra cách thức thanh toán đa tiền tệ có thể được thực hiện tức thì và đồng thời trong khi vẫn duy trì tính độc lập của các hệ thống thanh toán nội địa tương ứng. Ngoài ra, sự hợp tác này cho phép các ngân hàng trung ương khám phá và hiểu rõ hơn về chính sách, quản trị và ý nghĩa kỹ thuật của việc sử dụng các nhà tạo lập thị trường tự động để hỗ trợ ngoại hối.”