Thị trường

Giá xăng giảm mạnh sau 8 kỳ tăng liên tiếp

Minh Ngọc 02/10/2023 - 16:55

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, kể từ 16h00 ngày 2/10, xăng E5 RON 92 giảm 695 đồng/lít và xăng RON 95 giảm 906 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu không đổi trừ dầu mazut.

Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 23.502 đồng/lít, giảm 695 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, thấp hơn xăng RON95-III 1.341 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 24.842 đồng/lít, giảm 906 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.

Đối với các mặt hàng dầu: Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 23.594 đồng/lít, giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành; dầu hỏa không cao hơn 23.816 đồng/lít, giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành; dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.452 đồng/kg, giảm 395 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.

Mặt hàngGiá từ 2/10 (đơn vị: đồng/lít)So với kỳ trước
Xăng RON 95-III24.842-906
Xăng E5 RON 92-II23.502-695
Dầu điêzen23.5940
Dầu hỏa23.8160

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 28 lần điều chỉnh, trong đó có 17 lần tăng, 8 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Sau chuỗi tăng kéo dài 8 lần liên tiếp trong 3 tháng thì nay, giá xăng đã giảm mạnh theo xu hướng thế giới, dưới mức 25.000 đồng/lít.

Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập, dừng chi sử dụng Quỹ BOG đối với 2 mặt hàng xăng, giảm mức chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu điêzen và dầu hỏa, không chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut.

Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/9/2023-1/10/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Lo ngại về nguồn cung thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga quyết định cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày đến hết tháng 12; dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tiếp tục giảm mạnh; lệnh cấm nhiên liệu của Nga được nới lỏng và các nhà đầu tư lo lắng vấn đề lãi suất tăng cao có thể hạn chế nhu cầu… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 21/9 đến ngày 1/10 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/9/2023 và kỳ điều hành ngày 2/10/2023 là: 101,494 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 6,456 USD/thùng, tương đương giảm 5,98% so với kỳ trước); 106,833 USD/thùng xăng RON95 (giảm 7,195 USD/thùng, tương đương giảm 6,31% so với kỳ trước); 122,814 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,756 USD/thùng, tương đương giảm 1,41% so với kỳ trước); 123,364 USD/thùng dầu điêzen (giảm 0,694 USD/thùng, tương đương giảm 0,56% so với kỳ trước); 530,451 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 9,362 USD/tấn, tương đương giảm 1,73% so với kỳ trước).

Trong sáng nay (ngày 2/10), giá xăng dầu thế giới tăng nhẹ trở lại sau khi chịu áp lực giảm trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Cụ thể, vào lúc 7h15 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 92,48 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 91,11 USD/thùng.

Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đã lần lượt tăng 2,2% và 1%. Tính chung cả quý III/2023, giá dầu thô Brent đã tăng 27% và giá dầu thô WTI tăng tới 29% - trở thành quý tăng giá mạnh nhất kể từ quý I/2022 - thời điểm cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine diễn ra.

Theo các nhà phân tích, giá dầu thế giới vẫn neo mức trên mốc 90 USD/thùng do sản lượng sau cắt giảm của các "ông lớn" dầu mỏ khiến thị trường khó dồi dào nguồn cung như trước. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường nhiên liệu quốc tế. Ngoài ra, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ cũng giảm mạnh, dấy lên lo ngại nguồn cung tiếp tục thắt chặt, áp lực giá tăng cao.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá dầu sẽ khó đạt mốc 100 USD/thùng trừ khi thị trường lại có thêm thông tin gây biến động.

Minh Ngọc