Tạo thể chế ổn định để các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Nhằm bảo đảm dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) khả thi, đáp ứng các đòi hỏi thực tiễn, chiều ngày 2/10, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Viện KAS tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự còn có: Trưởng đại diện Viện KAS Việt Nam Florian Constantin Feyerabend; Thường trực Ủy ban Kinh tế; đại diện Ngân hàng Nhà nước; đại diện của 20 tổ chức tín dụng…
Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6 tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ 2 với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nếu đủ điều kiện thì dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua cuối tháng 11/2023.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đình Việt cho biết, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Ngay sau Kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các bộ, ngành liên quan, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm; các cuộc làm việc với hiệp hội, tổ chức tín dụng… để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, qua rất nhiều các buổi tọa đàm, hội thảo nhiều nội dung và vấn đề đặt ra ngay từ đầu đến nay đã thay đổi rất nhiều. Hiệp hội đã gửi cho tất cả các hội viên để tham gia ý kiến, đến nay, Hiệp hội đã tổng hợp và gửi trên 60 ý kiến góp ý dự thảo Luật, chắt lọc được 29 ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Thứ nhất là nhóm vấn đề liên quan đến ngân hàng và xử lý nợ xấu; thứ hai là vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và chuyển giao bắt buộc; thứ ba là liên quan đến công ty tài chính tiêu dùng.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, dự thảo lần này có rất nhiều tiến bộ, từ câu chữ, từ nội dung các điều khoản đã tương đối rõ hơn. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế thì vẫn còn một số điều cần phải quan tâm, điều chỉnh.
Qua đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, đây cơ hội góp ý để sửa luật, giúp các tổ chức tín dụng hoạt động một cách lành mạnh, hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ, cần có những bộ luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển và có thời gian lâu dài để các tổ chức tín dụng thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, hạn chế được sở hữu chéo cũng như những rủi ro, không an toàn trong hệ thống tài chính và tổ chức tín dụng.
Theo đại diện Viện KAS tại Việt Nam, ông Florian Constantin đánh giá, Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua lần đầu tiên vào năm 2010 đã tạo môi trường pháp lý cho hệ thống ngân hàng cũng như tạo dựng nên những hoạt động lành mạnh cho các tổ chức tín dụng, đồng thời cũng đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu và kết quả tích cực thì Luật đã không theo kịp với việc phát triển kinh tế của đất nước, cũng như những yêu cầu đòi hỏi phải sửa đổi và bổ sung. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được thảo luận tại phiên họp của Quốc hội vào tháng 5 vừa qua và sẽ tiếp tục được thảo luận tại phiên họp tới đây vào tháng 10. Viện KAS hỗ trợ cho Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiến hành một nghiên cứu để có những tài liệu tham khảo vững chắc cho các vị đại biểu Quốc hội.
“Cách đây hai tháng, chúng ta cũng đã tổ chức hội thảo đầu tiên về chủ đề này, trong đó viện KAS đã liên kết với Ủy ban Quốc hội để mời sự tham gia của các chuyên gia cả Việt Nam và nước ngoài, cụ thể là các chuyên gia của Anh quốc và các chuyên gia ngân hàng của Việt Nam.
Các chuyên gia đã thảo luận về sự cần thiết phải cần có những sự can thiệp rất sớm đối với những tổ chức tín dụng gặp vấn đề, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn cả từ Cộng hòa Liên bang Đức và châu Âu, cũng như đưa ra những khuyến nghị về việc chống những lạm dụng đối với quyền của các cổ đông lớn trong việc thao túng việc vận hành.
Hội thảo này là cơ hội để chúng ta cùng nhau chia sẻ thêm những ý kiến, bình luận để làm sao có thể để xử lý một cách hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như các nội dung quan trọng khác cần phải sửa đổi trong Luật về các tổ chức tín dụng…”, đại diện Viện KAS phát biểu.
Sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đến nay, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm: 16 chương, 208 điều. So với dự thảo Luật được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật hiện nay đã tăng thêm 3 chương, 13 điều; sửa đổi, bổ sung 160 điều, trong đó có 90 điều sửa đổi về nội dung, 61 điều sửa về kỹ thuật văn bản để nội dung rõ ràng, mạch lạc hơn.
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một đạo luật khó, có tính kỹ thuật cao, có tác động lớn đến nền kinh tế và từng tổ chức, cá nhân. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng để bảo đảm khi Luật được thông qua có sức sống lâu dài, tạo cơ sở pháp lý ổn định để các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, có điều kiện phát triển thuận lợi.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự tiếp tục cho ý kiến về nhiều vấn đề, gồm: Kết cấu của dự thảo Luật; các quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng (người có liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các tổ chức tín dụng, giới hạn cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng); các quy định liên quan đến quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…
Trong đó, nhiều ý kiến lưu ý, trong thực tế thực hiện những hoạt động chuyên môn, các tổ chức tín dụng có nhu cầu trao đổi thông tin khách hàng (thông tin lịch sử tín dụng, thông tin các khoản cấp tín dụng, danh sách cảnh báo…) để phòng ngừa rủi ro. Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định việc trao đổi thông tin này không cần có sự chấp thuận của khách hàng. Tuy nhiên, với quy định tại Nghị định 13 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, hoạt động này cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu và được người tiêu dùng đồng ý. Do vậy, nếu không làm rõ tại dự thảo Luật về xử lý, cung cấp thông tin thì hoạt động trao đổi thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng sẽ gặp vướng mắc và rủi ro pháp lý/kinh doanh rất lớn cho hoạt động của tổ chức này.
Về vấn đề tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng, nhiều ý kiến đề nghị, cần cân nhắc điều chỉnh quy định tại Điều 41 dự thảo Luật là “Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm”. Bởi, quy định này không thống nhất với chính Điều 11 dự thảo Luật, chỉ giới hạn Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên - một trong những người là người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng thì phải cư trú tại Việt Nam.
Các ý kiến đề nghị, cần điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng tại Điều 41 tương tự quy định như tại Điều 11 dự thảo Luật, để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao giữ chức danh quản lý điều hành tổ chức tín dụng hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt ghi nhận, đánh giá cao góp ý của các chuyên gia, tổ chức tín dụng tại Hội thảo, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cả về lý luận và thực tiễn cho quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
"Bên cạnh các góp ý trực tiếp, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng tiếp thu các góp ý bằng văn bản của nhiều tổ chức tín dụng khác cho dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới nhất. Trong thời gian tới, mong muốn các tổ chức tín dụng tích cực cùng tham gia quá trình rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, qua đó bảo đảm tính khả thi cao nhất cho từng điều khoản", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết.