VN-Index giảm hơn 37 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam lại giảm mạnh nhất châu Á
Nỗi lo tăng lãi suất của FED đã khiến cho các thị trường Hong Kong, Nhật Bản giảm sâu. Tuy nhiên, VN-Index còn gây ra mức sát thương lớn hơn với biên độ giảm 3,22%.
Định vị thị trường
Lo lắng về đợt tăng lãi suất cuối năm của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã khiến các chỉ số chứng khoán châu Á phải giảm mạnh, Hang Seng đã mất 2,87% còn NIKKEI 225 cũng giảm 1,64%, SET giảm 1,4% trong phiên hôm nay (ngày 3/10).
VN-Index sau các phiên giằng co ngay dưới MA100 cũng không thể giữ được sự cân bằng trong ngắn hạn. Chỉ số giảm tới 3,22%, biên độ lớn nhất trong các chỉ số chứng khoán châu Á.
Chất xúc tác
Vấn đề tăng lãi suất của FED kéo theo tỷ giá tăng trở lại. Tỷ giá mua tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ nguyên ở mức 23.400 VND/USD, trong khi tỷ giá bán tăng nhẹ 7 đồng, đang ở mức 25.218 VND/USD. Còn tỷ giá trung tâm đang được niêm yết ở mức 24.065 VND/USD, tăng trở lại 6 đồng so với phiên liền trước.
Hoạt động phát hành tín phiếu của ngân hàng hiện đã giúp giảm bớt thanh khoản hệ thống. Mức lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng 15 điểm cơ bản lên 0,76%. Tuy nhiên, biến số tỷ giá thực tế không hề dễ dàng để điều tiết dù NHNN đã phát hành lượng tín phiếu lên tới gần 100.700 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục bán ròng hơn 160 tỷ đồng trên HOSE với: CTG (-52 tỷ đồng), VPB (-46 tỷ đồng), VIC (-31 tỷ đồng), MSN (-29 tỷ đồng). Đóng góp của khối ngoại chỉ chiếm 6% cho thấy dòng tiền nội đã quay lại chi phối thị trường. Người bán đã bị buộc phải bán ra với mức giá chiết khấu hơn trong khi phe mua đã tận dụng phiên giảm sâu để giải ngân trở lại.
Vận động thị trường
Đã có thời điểm, VN30 có tới 30/30 mã giảm, tương đương với tỷ lệ 100%. Vai trò của VIC là rất lớn khi kéo theo nhiều Bluechips khác cũng giảm sâu.
Các mã GVR (-6,9%), SSI (-5,9%), MWG (-5,6%), BID (-5,5%), HPG (-5,3%), STB (-5,3%) đều bị dòng tiền lớn xả ra cùng VIC, trong đó MWG đã có giá sàn trong phiên còn GVR đóng cửa tại giá sàn.
Ngoài ra, các mã ngân hàng như EIB (-5,4%), OCB (-4,8%), TPB (-4,6%), SHB (-4,5%), cũng tác động mạnh vào tâm lý nhà đầu tư.
Sự bất lợi của từ nhóm Vingroup và ngân hàng đã khiến thị trường xuất hiện nhiều mã Midcap và Penny bị xả tới mức giảm sàn như: VND, DIG, DXG, HSG, NKG, PDR, PVT, VIX, GEX, TCH, BSI, AGR, HDC, CTS, DPG, VCI, ORS… Trong số này có khá nhiều cổ phiếu chứng khoán vừa đi qua một nhịp tăng dài. Tuy nhiên, khi thị trường xoay chiều cùng với thanh khoản liên tục tụt giảm thì nhà đầu tư cũng không ngần ngại bán ra.
Thực tế, vẫn còn một số ít cổ phiếu có sự phản kháng như DPM (+0,53%), RDP (+6,64%) nhưng số lượng này càng về cuối phiên càng bị thu hẹp lại. Một số mã như HHV (-1,8%), LCG (-1,6%), ANV (-1,8%) đã phải quay đầu giảm về cuối phiên do xuất hiện lệnh kéo xuống trong phiên ATC.
Độ rộng của toàn HOSE ghi nhận tới 87% mã giảm giá. VN-Index đã trượt khá sâu khỏi đường xu hướng trung hạn với phiên giảm mạnh hôm nay. Chỉ số đóng cửa tại 1.118,1 điểm, giảm 37,15 điểm (-3,4%). Điểm sáng nhất chỉ là có sự tham gia của dòng tiền bắt đáy sau chuỗi phiên liên tục khát tiền. Tổng khối lượng giao dịch đạt 991,87 triệu đơn vị, tương đương 21.065 tỷ đồng.
Trong khi đó, thiệt hại của 2 sàn còn lại đều lớn. HNX-Index mất tới 4,24% còn UPCoM-Index giảm 2,27%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.700 tỷ đồng.