Chuyển đổi số: Cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chuyển đổi số cho doanh nghiệp chính là cách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp phù hợp với xu thế vận động mới, bối cảnh và tình hình mới….
Kết quả ban đầu…
Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ngày 4/10, Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức “Hội nghị Đối tác thúc đẩy CĐS DN Việt Nam 2023”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN khẳng định, CĐS cho DN chính là cách hỗ trợ DN kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển của DN phù hợp với xu thế vận động mới, bối cảnh và tình hình mới. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng theo đại diện Cục Phát triến DN, giai đoạn đầu năm 2021-2023, Cục Phát triển DN đã huy động nguồn lực tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án USAID LinkSME; từ Chính phủ Đức thông qua dự án Trung tâm CĐS Việt Nam (DTC-VN) - GIZ và đã phối hợp với các cơ quan Bộ ngành, các tổ chức hiệp hội, ngành nghề triển khai Chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025.
Chương trình tập trung vào nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ, tài liệu, nền tảng để chuyển đổi nhận thức cho DN, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ DN CĐS.
“Hiện nay, các DN đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của CĐS. Nhiều DN đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Đây là kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực, khát vọng thay đổi và vươn lên của các DN, sự hỗ trợ hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ TW đến địa phương, của các tổ chức hiệp hội, ngành hàng trong công tác hỗ trợ thúc đẩy DN CĐS…”, ông Trung đánh giá.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Phát triển DN, những kết quả đạt được này còn khá khiêm tốn, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình CĐS.
“Chính vì vậy, Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT mong muốn lắng nghe chia sẻ từ phía các cơ quan đối tác cũng là các đơn vị cùng đồng hành hỗ trợ DN để có nhưng chiến lược cụ thể, phương án hỗ trợ chuyên sâu hơn cho DN trong giai đoạn 2024-2025 sắp tới”, ông Trung nhấn mạnh.
Chuyển đổi kép hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Bên cạnh những trao đổi về định hướng và giải pháp hỗ trợ DN CĐS của Bộ KH&ĐT và các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, hiệp hội DN,…, Hội nghị đã có những trao đổi về xu hướng chuyển đổi kép (Twin transition), các chính sách thúc đẩy CĐS của EU và tận dụng CĐS cho chuyển đổi xanh (CĐX).
Theo ông Dennis Quenne, Giám đốc các dự án Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức GIZ tại Việt Nam, chuyển đổi kép là một xu hướng quốc tế tất yếu nhằm kết hợp CĐX và CĐS hướng tới phát triển bền vững.
“Thông qua nỗ lực hợp tác có sự tham gia của các bên liên quan từ cả khu vực công và tư nhân, tôi chắc chắn rằng mục tiêu quan trọng này sẽ từng bước được hiện thực hóa ở Việt Nam…”, ông Dennis Quenne khẳng định, đồng thời chia sẻ, GIZ đã và đang hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ cho Việt Nam trong quá trình CĐX và CĐS. “GIZ mong muốn được tiếp tục đồng hành với Bộ KH&ĐT và khu vực tư nhân trong hành trình đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, đại diện GIZ bày tỏ.
Tại Hội nghị, các ý kiến đều đồng tình cho rằng, CĐS đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các DN nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi.
Để trở thành một DN số và để tận dụng được những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, cần không ngừng thay đổi và sáng tạo. DN cần sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược CĐS, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý DN và người lao động.
“Trong bối cảnh đó, sự tham gia và vào cuộc của các cơ quan hỗ trợ, tổ chức quốc tế, các hiệp hội DN, tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia CĐS là vô cùng quan trọng để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN trong công cuộc CĐS…”, đại diện Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Kinh nghiệm CĐS từ các DN Việt Nam
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, CĐS là hành trình không hề dễ dàng mà sẽ đi kèm nhiều khó khăn phải vượt qua đòi hỏi sự thống nhất và hiệp lực của toàn bộ DN. Ở giai đoạn đầu tiên, DN cần chuyển đổi dữ liệu sang dạng số (số hóa), sau đó, DN ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất sản phẩm của DN, từ đây, DN có thể ứng dụng dữ liệu số tạo ra mô hình kinh doanh và các giá trị mới.
Cũng theo đại diện VNPT, thời gian vừa qua, VNPT đã đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội để thúc đẩy quá trình CĐS của DN thông qua nền tảng oneSME.
Đại diện của Grab Việt Nam, Bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại chia sẻ, bằng việc sử dụng các công cụ trực tuyến đơn giản, các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ có thể mở cửa hàng kinh doanh trực tuyến trên nền tảng, tiếp cận với nhóm người dùng mới nhanh chóng, rộng rãi, với chi phí tối ưu, từ đó có thêm nguồn doanh thu.
Trên thực tế, với vai trò là nền tảng thúc đẩy - hỗ trợ công tác CĐS, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, Grab cũng thường xuyên triển khai các buổi tập huấn về sử dụng nền tảng số góp phần quảng bá, tiêu thụ nông sản chất lượng tới người dùng trên nền tảng Grab. Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ hợp tác với Cục Phát triển DN (AED) - Bộ KH&ĐT, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Agrotrade) - Bộ NN&PTNT và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, khoảng 800 hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia các buổi tập huấn này trong năm 2022.
Thực hiện các định hướng, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao, từ đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT đã ban hành Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển DN là cơ quan đầu mối phối hợp cùng với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và các đối tác cùng triển khai thực hiện.
Giai đoạn đầu năm 2021-2023, Chương trình tập trung vào nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ, tài liệu, nền tảng để chuyển đổi nhận thức cho DN, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ DN CĐS.
Trong 2 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận:
- Xây dựng Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, các tài liệu hướng dẫn CĐS cho DN ở các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, logistics….
- Triển khai đào tạo trực tiếp về CĐS tại 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho hơn 10.000 DN;
- Xây dựng và đào tạo mạng lưới hơn 100 chuyên gia tư vấn CĐS, và kết nối, cử đi hỗ trợ DN triển khai CĐS một cách bài bản.
- Toàn bộ các công cụ, các tài liệu, video đào tạo và công bố các gói hỗ trợ CĐS đã được số hóa và đăng tải 24/7 trên Cổng thông tin https://digital.business.gov.v... và phổ biến một cách rộng rãi. Bất kỳ DN nào cũng có thể dễ dàng truy cập, tiếp cận các tài liệu, kiến thức, kết nối mạng lưới chuyên gia, giải pháp công nghệ số và thông tin hỗ trợ của Chính phủ về CĐS trong DN.