Áp lực đòi thanh toán trước hạn trái phiếu từ nhà đầu tư đã bớt căng thẳng?
Trong quý III/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận các đợt phát hành mới tăng mạnh trở lại, hoạt động đàm phán gia hạn diễn ra sôi động, lượng mua trái phiếu trước hạn cũng giảm dần cho thấy áp lực đòi thanh toán trước hạn từ phía nhà đầu tư đã qua giai đoạn căng thẳng.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp phục hồi tích cực
Theo số liệu trong Báo cáo về thị trường trái phiếu quý III/2023 do Công ty Chứng khoán VNDirect vừa công bố, trong quý III có 88 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với quý II/2023 và tăng 50% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 80 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 88.715 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng giá trị phát hành. Bên cạnh đó, có 8 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành đạt 11.447 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng giá trị phát hành (số liệu tổng hợp trên trang thông tin của HNX công bố tới ngày 3/10/2023).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN đạt khoảng 167.983 tỷ đồng, giảm 32,6% so với cùng kỳ, trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt khoảng 147.180 tỷ đồng, giảm 38,9%, tổng giá trị phát hành ra công chúng đạt 20.803 tỷ đồng, tăng 141,4 % so với cùng kỳ.
VNDirect cho biết, hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ có sự phục hồi tích cực trong quý III khi cao gấp gần 2,7 lần so với quý II và tăng 36,2% so với cùng kỳ. Sự phục hồi này chủ yếu đến từ sự gia tăng phát hành của nhóm ngân hàng, với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 47.224 tỷ đồng, chiếm 53,2% tổng giá trị phát hành trong cả quý.
Chuyên gia của VNDirect cho rằng, quy định trong Thông tư 08/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn của các ngân hàng phải giảm về mức 30% từ mức 34%, có hiệu lực từ ngày 1/10/2023 là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hoạt động phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng diễn ra tích cực trong quý III vừa qua (các ngân hàng phát hành TPDN để tăng phần vốn huy động trung và dài hạn). Các đợt phát hành lớn của nhóm ngân hàng trong quý III có kỳ hạn phổ biến là 2-3 năm, với lãi suất từ 6,4% - 7,5%.
Bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành TPDN riêng lẻ lớn thứ 2 trong quý III, với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 29.593 tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng giá trị phát hành.
Trong đó, một số doanh nghiệp phát hành nhiều trái phiếu nhất có thể kể đến là Công ty TNHH Capitaland Tower phát hành 4 đợt với tổng giá trị hơn 12.200 tỷ đồng với lãi suất 1%/năm kỳ hạn 60 tháng; Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt phát hành 4.100 tỷ đồng với lãi suất 13,3%/năm, kỳ hạn 15 tháng; Công ty CP Bất động sản BIM phát hành 2.333 tỷ đồng với lãi suất 10,4%/năm, kỳ hạn 84 tháng...
Cùng với sự phục hồi của hoạt động phát hành, hoạt động mua lại trước hạn cũng có sự chững lại. Theo đó, tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong quý III/2023 đạt gần 57.259 tỷ đồng, giảm 31,9% so với quý II/2023 và giảm 5,4% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau khi tăng mạnh trong quý II, tốc độ mua lại TPDN trước hạn có xu hướng giảm kể từ tháng 8. Ngân hàng vẫn là nhóm thực hiện mua lại TPDN trước hạn nhiều nhất trong quý III, với tổng giá trị mua lại hơn 30.700 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn.
Theo VNDirect, so với quý II/2023 mặc dù tổng giá trị mua lại trước hạn của nhóm ngân hàng đã giảm 47% nhưng đây vẫn là quý có giá trị mua lại cao trong những quý gần đây của nhóm ngân hàng.
"Chúng tôi cho rằng nhu cầu tín dụng yếu cùng với việc lãi suất đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện để các ngân hàng duy trì tích cực hoạt động mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình trong quý III/2023", chuyên gia của VNDirect nhìn nhận.
Ngoài ra, một tín hiệu tích cực nữa cho thị trường TPDN là hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong quý III. Tính đến ngày 3/10/2023, đã có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỷ đồng.
Bất động sản vẫn dẫn đầu về "khất nợ" thanh toán trái phiếu đến hạn
Mặc dù thị trường TPDN đã có những tín hiệu tích cực, song danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên, chủ yếu nằm ở nhóm bất động sản trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường trầm lắng khiến nhiều doanh nghiệp trong nhóm này tiếp tục gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Số liệu tổng hợp của VNDirect cho thấy, tính đến ngày 3/10/2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. VNDirect ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này là khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ TPDN toàn thị trường. Trong đó, dư nợ của các tổ chức phát hành là các doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 14,7%.
Sang quý IV/2023, VNDirect ước tính sẽ có khoảng hơn 53.757 tỷ đồng TPDN đáo hạn, giảm 26,4% so với quý III. Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 44,2% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn, tiếp đến là nhóm tài chính - ngân hàng với 39,5% tổng giá trị đáo hạn.
Chuyên gia của VNDirect cho rằng, áp lực đáo hạn sẽ hạ nhiệt trong quý IV/2023 cũng như quý I/2024 và sau đó sẽ tăng mạnh trở lại trong quý II/2024.
Tại một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, Tổng Giám đốc FiinRatings cũng nhận định, áp lực đáo hạn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản thời gian tới vẫn lớn.
Theo ông Thuân, nếu nhìn ở góc độ khối lượng phát hành thì đặc thù giai đoạn vừa qua nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tái cấu trúc nợ nên tình trạng này vẫn sẽ còn tiếp diễn, nhất là khi vẫn còn khoảng 350.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng trả nợ đúng hạn.
Cũng theo chuyên gia này, hiện nay có một thực tế là ngân hàng đang "thừa tiền", còn nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không xin giãn hoãn được nợ, nên phần lớn tổ chức mua trái phiếu thời gian qua là ngân hàng.
Theo ông Thuân, sau khi Nghị định 08 được ban hành cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu được giãn, hoãn nợ 24 tháng, doanh nghiệp nào giãn, hoãn được đã giãn, hoãn rồi, còn doanh nghiệp nào nhà đầu tư không cho giãn, hoãn thì một số tổ chức khác là ngân hàng hoặc phi ngân hàng mua lại.
Ông cho biết, thực tế không nên quá kỳ vọng doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Vì thực tế, trong tổng khối lượng trái phiếu phát hành trong 9 tháng đầu năm có một lượng lớn là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành để tái cấu trúc nợ. Cho nên, hoạt động phát hành trái phiếu để tái cấu trúc khoản nợ cũng là điều hết sức bình thường.
“Thị trường này phải có thanh khoản, phải có tái cấu trúc, sang tay,… và nên chấp nhận đó là chức năng của thị trường”, ông Thuân nói và nhấn mạnh đây cũng là một trong những giải pháp giúp “hạ cánh mềm” cho doanh nghiệp.