Nhìn ra thế giới

UNCTAD: Kinh tế thế giới suy giảm so với năm 2022 và khó phục hồi vào năm 2024

L.N 05/10/2023 12:58

Mới đây, UNCTAD dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 là 2,4%, giảm so với mức 3% của năm 2022 với sự suy giảm ở hầu hết cả khu vực và rất ít dấu hiệu phục hồi vào năm 2024.

tang-truong-kte-tg.jpg

Báo cáo Thương mại và Phát triển năm 2023 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ, với tốc độ tăng trưởng chậm lại ở hầu hết các khu vực so với năm 2022 và chỉ một số quốc gia đi ngược xu hướng.

Theo UNCTAD, nền kinh tế kinh tế thế giới đang ở ngã ba đường với các hướng tăng trưởng khác nhau, bất bình đẳng gia tăng, thị trường ngày càng thu hẹp và gánh nặng nợ công chồng chất phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế tương lai.

Báo cáo chỉ rõ, quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 có sự khác biệt giữa các nền kinh tế. Trong khi một số nền kinh tế như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Nga và Mỹ tiếp tục nỗ lực duy trì đà hồi phục thì những nền kinh tế khác gặp phải các khó khăn không nhỏ.

Báo cáo cũng kêu gọi thay đổi định hướng chính sách tại các ngân hàng trung ương, cũng như những cải cách thể chế từng được đề cập đến trong đại dịch COVID-19, để ngăn chặn một thập kỷ mất mát. Cải cách tài chính toàn cầu, thực hiện những chính sách thực tế hơn để giải quyết lạm phát, bất bình đẳng và tác động của nợ quốc gia, đồng thời giám sát chặt chẽ hơn các thị trường trọng điểm.

Nhận định hầu hết các khu vực sẽ chứng kiến ​​sự suy giảm đáng kể, UNCTAD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại từ 3% vào năm 2022 xuống mức 2,4% trong năm 2023 và có rất ít dấu hiệu phục hồi ở năm kế tiếp. Lạm phát đã giảm từ mức cao nhất vào cuối năm 2022, nhưng tốc độ giảm chậm, phần lớn do áp lực nguồn cung giảm bớt. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn cho đến nay hầu như không góp phần hạ nhiệt giá cả, khiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng và gây tổn hại đến triển vọng đầu tư.

g20.jpg

Tại báo cáo, chỉ ra hàng loạt khó khăn, UNCTAD cho rằng chi phí sinh hoạt cao và mức tăng lương thấp tiếp tục siết chặt ngân sách các hộ gia đình. Tiền lương thực tế trì trệ hoặc giảm trên toàn cầu, cộng thêm chính sách thắt lưng buộc bụng tài chính làm kéo giảm tốc độ tăng trưởng. Bất bình đẳng kinh tế vẫn là một thách thức đáng kể, trong đó các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng nhiều hơn, bao gồm cả tác động của việc thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng còn đe dọa làm suy yếu sự phục hồi kinh tế. Tham vọng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030 của các quốc gia giảm đi. Trong bối cảnh lạm phát dẫn đến lãi suất tăng, tiền tệ suy yếu và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, không gian tài chính cần thiết cho các chính phủ để chống lại biến đổi khí hậu và cung cấp cho người dân đang bị siết lại.

Cũng theo báo cáo, châu Âu đang trên bờ vực suy thoái. Khu vực này đang phải vật lộn với chính sách tiền tệ thắt chặt và những trở ngại kinh tế lớn, trong bối cảnh những quốc gia giàu có đang tăng trưởng chậm lại. Trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chỉ có Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico và Nga dự kiến sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Đáng chú ý, dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, kinh tế Nga được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt là 2,2% và 2% cho năm 2023 và 2024.

Báo cáo cũng nhận định Trung Quốc đã tăng trưởng trong năm nay và dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn 10 lần so với khu vực đồng euro. Cùng với đó, Trung Quốc phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư tư nhân yếu nhưng có nhiều không gian chính sách tài khóa hơn các nền kinh tế lớn khác để giải quyết những thách thức này.

Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng để bảo vệ kinh tế thế giới trước những cuộc khủng hoảng hệ thống trong tương lai, thế giới cần tránh những sai lầm chính sách trong quá khứ và thực hiện một chương trình cải cách tích cực. Thế giới cần một bộ chính sách cân bằng về tài khóa, tiền tệ và các biện pháp liên quan nguồn cung để đạt được trạng thái tài chính bền vững, thúc đẩy đầu tư có hiệu quả và tạo ra những việc làm tốt hơn. Các quy định cũng cần giải quyết sự mất cân bằng ngày càng sâu sắc trong hệ thống tài chính và thương mại quốc tế.

L.N