Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Các ngân hàng Việt Nam cần tập trung làm sạch, số hóa dữ liệu đã có
Phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Sáng ngày 6/10, tại Hà Nội đã chính thức khai mạc Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2023, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp cùng Tập đoàn IEC tổ chức. Sự kiện được tổ chức với mục đích thúc đẩy chuyển đổi số và khung pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời gắn với hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi Số quốc gia.
Phát biểu tại phiên toàn thể của sự kiện với chủ đề "Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, trong quá trình phát triển của cách mạng công nghiêp 4.0, dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn tài nguyên mới, là yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong tiến trình chuyển đổi số. Đặc biệt, các ngân hàng lớn tại Việt Nam đã có những bước chuyển mình, đã có những kho, những trung tâm về dữ liệu của riêng mình.
Đối với ngành Ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thời gian qua, xác định vai trò quan trọng của dữ liệu trong chuyển đổi số ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối, khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thanh toán trong hoạt động ngân hàng.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị, các ngân hàng tập trung làm sạch, số hoá những dữ liệu đã có bởi nếu không có dữ liệu sạch thì không có câu chuyện tiếp sau.
Bên cạnh đó, dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Trong quá trình khách hàng thực hiện giao dịch, phải ứng dụng dữ liệu để đảm bảo người thực hiện giao dịch là người đã đăng ký dịch vụ với ngân hàng. Không để tình trạng lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị Trung tâm thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ để giúp các ngân hàng đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng.
Phó Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ luôn luôn đồng hành cùng các ngân hàng trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý để các ngân hàng phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình.
Bên cạnh phát triển dịch vụ, các ngân hàng cũng phải đảm bảo sự hoạt động liền mạch, liên tục của hệ thống và đảm bảo an ninh, an toàn; tích cực triển khai Đề án 06 để ngày càng cung cấp tốt hơn dịch vụ cho khách hàng, đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống.
Hội thảo - Triển lãm Smart Banking 2023 do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp cùng Tập đoàn IEC tổ chức, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hội thảo - Triển lãm Smart Banking 2023 bao gồm các hoạt động: 1 phiên toàn thể với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số”; 3 phiên hội thảo chuyên đề về các vấn đề liên quan như: Chiến lược chuyển đổi số bền vững ngành ngân hàng dựa trên dữ liệu; Nâng cao trải nghiệm khách hàng trong xu hướng ngân hàng số tương lai; Đảm bảo an toàn thông tin mạng trong bối cảnh chuyển đổi số ngân hàng.
Nằm trong khuôn khổ sự kiện Smart Banking 2023 còn diễn ra chương trình Diễn tập đối kháng theo hình thức tấn công phòng thủ hệ thống (DF Cyber Defense 2023). Đây là sự kiện thường niên quy mô lớn nhất về phòng, chống tấn công mạng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại Việt Nam.
Song song với phiên báo cáo chính và các hội thảo chuyên đề là triển lãm công nghệ về tài chính - ngân hàng với sự tham gia của 30+ nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu hiện nay như DXC, Viettel, FPT, Backbase,... Các giải pháp nổi bật được giới thiệu trong triển lãm bao gồm: Ngân hàng lõi, Ngân hàng mở/Ngân hàng API, Thanh toán số/Ví điện tử, Thanh toán tiếp xúc và thanh toán không tiếp xúc, NFC (Giao tiếp trường gần), Hệ thống thanh toán di động, Bảo mật trung tâm dữ liệu, Quản lý gian lận, Hệ thống quản lý truy cập và nhận dạng,...