Philippines bỏ áp trần giá gạo nội địa, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bật tăng
Nhằm hạ giá gạo trong nước, Chính phủ Philippines cho áp trần giá gạo nội địa. Sau khoảng một tháng áp giá trần để kiềm chế sự tăng giá lương thực, ngày 4/10, chính sách giá trần gạo được Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố hủy bỏ, thúc đẩy giá gạo Việt Nam tăng lên sau một thời gian giảm giá.
Việc loại bỏ áp trần giá gạo nội địa của Chính phủ Philippines được đưa ra sau khi giá gạo trong nước giảm tới 15% kể từ thời điểm được thực hiện đến ngày 3/10/2023.
Ngày 6/10, tờ The Star (Philippines) đưa tin, lạm phát gạo của nước này tăng lên 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn gấp đôi so với mức 8,7% trong tháng 8 ngay cả sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr giới hạn giá gạo trong gần một tháng. Mức tăng giá chung trong 9 tháng đầu năm nay đạt trung bình 6,6%, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Philippines.
Hiện nay, nguồn cung gạo ở Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn, đã được cải thiện khi nông dân bắt đầu thu hoạch vào tháng trước.
Philippines bỏ trần giá gạo nội địa, tạo hiệu ứng lên giá gạo xuất khẩu Việt Nam
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, khi Philippines bỏ trần giá gạo, thương nhân nước này sang Việt Nam mua gạo lại ngay, tạo hiệu ứng tốt lên giá gạo xuất khẩu. Hiện giá gạo Việt Nam đã tăng và có một số doanh nghiệp cũng đã ký bán giá mới cao hơn, tuy nhiên chỉ những doanh nghiệp có chân hàng mới ký hợp đồng mới.
Động thái bỏ trần giá gạo nội địa mới này của Chính phủ Philippines được cho là sẽ tác động tích cực lên thị trường gạo xuất khẩu nói chung, giá gạo Việt Nam xuất khẩu nói riêng.
Trước đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam bán đi Philippines đạt đỉnh cao nhất 800 USD/tấn (CIF), quy ra giá FOB khoảng 650-670 USD/tấn, sau đó có lúc xuống dưới mức 600 USD/tấn nhưng nay đang dao động từ 615-625 USD/tấn.
Theo Phó Chủ tịch VFA, trong tháng 10, các nước Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam đều vào vụ thu hoạch nên lượng hàng bán ra sẽ tương đối lớn, cùng với nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines, Indonesia.… cũng khá lớn. Khi đó sẽ xảy ra 2 vấn đề. Nếu cung vừa cầu thì giá gạo xuất khẩu sẽ rất khó lên, nhưng cũng khó xuống thấp, vì hiện nay Ấn Độ vẫn chưa xuất khẩu gạo trở lại, nếu mở cửa còn tùy thuộc vào cách mở của họ để thị trường không bị sập xuống.
“Chắc chắn Ấn Độ sẽ có “bài” của họ về vấn đề này, hoặc tiếp tục dừng xuất khẩu gạo đến cuối năm (nhưng sẽ bán theo dạng các hợp đồng chính phủ), thị trường sẽ cơ bản ổn định. Còn giá gạo xuất khẩu tăng như hiện nay chỉ là phản ứng thị trường”, Phó Chủ tịch VFA nói.
Trong trường hợp nhu cầu nhập khẩu gạo các nước, đặc biệt Philippines quá lớn nhưng nguồn cung của Việt Nam không đủ thì gạo xuất khẩu sẽ có cơ hội tăng giá, và giá gạo bán đi Philippines có thể quanh mức 630 USD/tấn. Cách đây một tuần, thương nhân Philippines đã mua với giá 612-615 USD/tấn, nay gạo đã tăng lên mức 625-630 USD/tấn.
Hiện nay, gạo trong nước có giá 14.700 đồng/kg, và phần lớn lượng gạo tồn kho đang nằm trong tay các nhà đầu cơ, nhà máy xay xát hoặc nhà cung ứng. Nếu tình hình nguồn cung trong nước vẫn khan hiếm, kỳ vọng giá gạo xuất khẩu sẽ tăng thêm. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là không có đủ hàng để bán nhưng lúa Thu Đông cũng sắp thu hoạch, kỳ vọng đầu ra tốt và người nông dân bán được lúa giá cao.
Đồng quan điểm với Phó chủ tịch VFA, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Miền Tây cho biết, bỏ trần giá gạo nhưng Chính phủ Philippines không cắt giảm thuế gạo nhằm ngăn chặn sự biến động thị trường trong vụ thu hoạch. Có nhiều khả năng vào tháng 11/2023, Ấn Độ và Trung Quốc mở kho gạo dự trữ nhưng còn giới hạn số lượng. Trung Quốc bán gạo bớt để mua bắp dự trữ do giá bắp trên thị trường đang rẻ, còn Ấn Độ cũng bán gạo bớt mua lại lúa mì Nga có giá đang rất thấp.
“Khi 2 ông lớn này tham gia thị trường giá gạo xuất khẩu trong tháng 11 sẽ sụt giảm, giá gạo 5% tấm có thể xoay quanh mốc 600 USD/tấn”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Giá trị gạo xuất khẩu tăng 40,4% so với 9 tháng đầu năm 2022
Tuần qua, gạo 5% tấm và gạo 25% giao hàng tại cảng có giá như sau: Việt Nam: 594 USD/tấn và 584 USD/tấn; Thái Lan: 590 USD/tấn và 541 USD/tấn; Pakistan: 574 USD/tấn và 529 USD/tấn, như vậy, giá gạo Việt Nam đã giảm 46 USD/tấn so với mức đỉnh hồi giữa tháng 8/2023.
Theo đánh giá chung, sản xuất vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị El Nino, cộng lũ đầu nguồn thấp, có thể làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng gạo vụ Đông Xuân, vụ lúa chính của năm.
Kế hoạch của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu ha. Để tránh hạn mặn ở một số vùng ven biển, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ và do giá lúa đang ở mức cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân bắt đầu xuống giống từ ngày 10/10/2023.
Với kế hoạch này, gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm trong tháng 10/2023 thì đến tháng 1/2024, Việt Nam sẽ tiếp tục có gạo vụ mới bán. Đây là điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong việc tìm đối tác, thị trường để xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo, trị giá 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gạo đạt giá trị cao là do giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên gần 650 USD/tấn.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt 2,34 triệu tấn gạo, trị giá 1,22 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 2,4% về lượng và tăng đến 15,5% về kim ngạch nhờ giá bán tăng. Philippines chiếm 40,34% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và là thị trường xuất khẩu số 1 của gạo Việt Nam.