Hiện tượng bán tháo Trái phiếu kho bạc Mỹ được xếp vào những vụ đổ vỡ thị trường tồi tệ nhất trong lịch sử
Đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ trên thị trường trái phiếu khiến lợi suất tăng vọt đang bắt đầu làm lu mờ một số cuộc khủng hoảng thị trường cực đoan nhất trong các thời kỳ trước.
Bloomberg cho biết, khoản lỗ trên trái phiếu kho bạc Mỹ có kỳ hạn từ 10 năm trở lên đã tăng 46% kể từ tháng 3/2020, trong khi trái phiếu 30 năm đã giảm giá trị 53%.
Những tổn thất đó gần như ngang bằng với những tổn thất trên thị trường chứng khoán từng xảy ra trong các đợt sụp đổ tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây - khi cổ phiếu sụt giảm 49% sau khi bong bóng dot.com vỡ (sự sụp đổ của các công ty công nghệ) và cổ phiếu giảm 57% trong thảm họa khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
So với các cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu trước đây, trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn đang chứng kiến một trong những sự tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Khoản lỗ này lớn hơn gấp đôi so với mức lỗ năm 1981 khi lãi suất kỳ hạn 10 năm đạt gần 16%.
Vụ “tai nạn” đó xảy ra khi Chủ tịch FED lúc bấy giờ, ông Paul Volcker đang phải vật lộn với cuộc chiến chống lạm phát lịch sử và đẩy lãi suất quỹ liên bang sát ngưỡng dưới 20%.
Mặc dù lãi suất hiện nay vẫn ở dưới mức đó, nhưng việc ngân hàng trung ương tích cực chuyển sang thắt chặt tiền tệ trong thời kỳ hậu đại dịch đã gây ra tình trạng tương tự trên thị trường trái phiếu. Và các nhà giao dịch đã tiếp tục bán ra trong bối cảnh lo ngại về lạm phát tăng trở lại, trong khi đợt phát hành trái phiếu Kho bạc tràn lan trong năm nay cũng gây áp lực lên giá trái phiếu.
Kết quả là lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007, với trái phiếu kỳ hạn 30 năm vượt ngưỡng 5% lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Các nhà đầu tư mong đợi điều tương tự với trái phiếu 10 năm, hiện chỉ dao động ở mức hơn 4,7%. Các nhà đầu tư nổi tiếng, bao gồm Bill Ackman, Ray Dalio và Bill Gross nhận thấy lợi suất kỳ hạn 10 năm sẽ đạt 5% trong thời gian ngắn tới.
Các chuyên gia Phố Wall cho biết FED đã gieo rắc sự hoảng loạn trong giới đầu tư và điều đó dẫn đến đợt rối loạn mới nhất trên thị trường trái phiếu.
Sự hỗn loạn trong thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với thị trường trong vài tuần qua, với lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần đây đã đạt mức cao nhất trong 16 năm. Đó là khi thị trường được thiết lập lại và đối mặt với thực tế về lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, điều mà Chủ tịch FED Jerome Powell đã thuyết phục các nhà đầu tư tại cuộc họp Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) tháng 9/2023. Phần khác là do những lo ngại liên quan đến số nợ của Mỹ ngày càng tăng cũng như khả năng xảy ra suy thoái kinh tế đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thị trường, đợt bán tháo lần này dường như chủ yếu là do yếu tố tâm lý hoảng loạn hơn là dựa vào các nguyên tắc cơ bản.
Theo Bob Michele, Giám đốc đầu tư của JPMorgan Asset Management, điều này đã được thấy khi các nhà đầu tư đổ xô bán trái phiếu dài hạn sau khi nghe Chủ tịch Powell phát biểu tại cuộc họp chính sách gần đây nhất của FED.
Vị Giám đốc đầu tư này nói: “Tôi nghĩ trong một thời gian dài, thị trường đã nghĩ rằng FED đang tăng lãi suất với tốc độ có thể phá vỡ điều gì đó - và đúng như vậy, hệ thống ngân hàng khu vực là đối tượng này”, điều này khiến liên tưởng đến sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon vào đầu năm nay.
Sự kiện này làm dấy lên hy vọng FED sẽ sớm tạm dừng tăng lãi suất để ngăn chặn việc gieo rắc thêm hỗn loạn. Tuy nhiên, hy vọng đó đã không kéo dài vì FED không chỉ tiếp tục tăng lãi suất mà còn ra tín hiệu tại cuộc họp FOMC vừa qua rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao lâu hơn so với kỳ vọng của thị trường trước đây.
Ông Michele nói thêm: “Sau cuộc họp FOMC gần đây nhất cách đây hai tuần, tôi nghĩ đó thực sự là thời điểm thị trường trái phiếu rối loạn”. “Những lời hùng biện từ FED trong hai tuần qua đều giống nhau: lãi suất không chỉ cao hơn trong thời gian dài hơn mà còn có vẻ như cao hơn mãi.”
Lãi suất cao đã gây áp lực lên mọi ngóc ngách của nền kinh tế và khiến các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ xảy ra suy thoái đang gia tăng.
“Đây rõ ràng là một cuộc tấn công hoảng loạn”, chuyên gia kỳ cựu về thị trường Komal Sri-Kumar nói với CNBC về đợt bán tháo trái phiếu. “Tôi tin rằng cuộc tấn công hoảng loạn xảy ra bởi vì các nhà đầu tư về cơ bản nhận thấy rằng FED không phản ứng với việc tăng lãi suất và đột nhiên họ “dẫm đạp” lên nhau để bán trái phiếu.”
Cắt đứt khỏi các nguyên tắc cơ bản
Tuy nhiên, có thể sự gia tăng lợi suất trái phiếu không liên quan đến một số nguyên tắc cơ bản của thị trường. Trước hết, cán cân nợ của Mỹ đã khiến các nhà kinh tế lo lắng trong nhiều năm và các thị trường đang chú ý đến một cuộc suy thoái có thể xảy ra kể từ đầu năm 2022, có nghĩa là không có nỗi lo sợ nào là mới hoặc xa lạ với các nhà đầu tư.
Và mặc dù lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cao hơn so với các quốc gia khác, như Tây Ban Nha hay Đức, nhưng lạm phát của Mỹ lại thấp hơn, Tom Lee của Fundstrat lưu ý.
“Đối với tôi, có thể đây là một ví dụ khác về việc có rất nhiều động lực đẩy lợi suất lên cao hơn, nhưng nó có thể khác với các nguyên tắc cơ bản”, Lee nói.
Ông nói thêm, tin tốt là lãi suất khó có thể duy trì ở mức cao như vậy trong thời gian dài, đặc biệt là khi xem xét các chỉ số lạm phát đang hạ nhiệt. Bằng một số thước đo - chẳng hạn như giá nhà ở - lạm phát đang giảm nhanh, điều đó có thể khiến FED giảm lãi suất sớm hơn so với dự đoán của thị trường, và do vậy có thể cho phép lãi suất trái phiếu cùng giảm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch quanh mức 4,719% vào thứ Năm, cao nhất kể từ năm 2007. Trong khi đó, theo công cụ CME FedWatch, thị trường cho rằng 80% khả năng FED giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào tháng 11 và gần 97% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm tới.