Kết nối

Hà Nội 9 tháng năm 2023: Vượt "gió ngược", khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước

Minh Đức 10/10/2023 06:10

Khó khăn nhiều, thách thức lớn nhưng Thủ đô Hà Nội đã vững vàng vượt "gió ngược", tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng là trung tâm lớn và đầu tàu kinh tế của cả nước.

Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; được thế giới biết đến là Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, với truyền thống là “Thành phố gương mẫu cho cả nước”, luôn là địa phương đi đầu trong các phong trào thi đua, yêu nước toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

9 tháng, kinh tế Hà Nội tăng trưởng 6,08%

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội trong 9 tháng năm 2023 tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,93%; quý III tăng 6,49%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra và thị trường xuất khẩu thì kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Khu vực dịch vụ 9 tháng ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 6,57%; quý III tăng 7,34%), đóng góp 4,73 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế: Bán buôn, bán lẻ tăng 9,03%, đóng góp 0,89 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 8,17%, đóng góp 0,82 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 8,78%, đóng góp 0,67 điểm %; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 20,52%, đóng góp 0,64 điểm %; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 12,14%, đóng góp 0,07 điểm %. Ngành Giáo dục và đào tạo 9 tháng tăng 6,66%; khoa học và công nghệ tăng 6,33%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 5,12%; quản lý Nhà nước tăng 4,86%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 4,85%; thông tin, truyền thông tăng 4,69%; kinh doanh bất động sản tăng 1,28%.

ha-noi-1.jpg
9 tháng năm 2023, kinh tế Hà Nội tăng trưởng 6,08% (ảnh minh họa)

Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 2,38%; quý II tăng 5,69%; quý III tăng 5,21%), đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó: Ngành công nghiệp tăng 3,93%, đóng góp 0,53 điểm % (ngành chế biến chế tạo tăng 3,55%; sản xuất phân phối điện tăng 7,92%; cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 7,15%). Ngành xây dựng 9 tháng năm nay ước tăng 5,75%, đóng góp 0,43 điểm % vào mức tăng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Thành phố tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gieo cấy lúa chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng rau, hoa, cây cảnh; tăng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ.

Cơ cấu GRDP 9 tháng năm 2023 theo giá hiện hành: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,17%; khu vực dịch vụ chiếm 65,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,68% (cơ cấu GRDP 9 tháng năm 2022 tương ứng là: 2,07%; 22,89%; 64,05% và 10,99%).

Dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI

9 tháng năm 2023, du lịch, dịch vụ và thu hút đầu tư tiếp tục là những điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố. Cụ thể, về thu hút đầu tư, số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm trước và hàng tháng đều cao hơn mức trung bình của cả nước. Tính đến ngày 20/9/2023, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công là 23.469 tỷ đồng đạt 44,2% kế hoạch thành phố giao và đạt 50% kế hoạch Thủ tướng giao.

ha-noi-2.jpg
Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD (ảnh minh họa)

Năm 2023, TP. Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông với 96 dự án, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP đang nỗ lực tập trung thi công khẩn trương, đảm bảo hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đặt ra.

Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2023 tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,96% vào mức tăng GRDP. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 3,93% (ngành chế biến chế tạo tăng 3,55%; sản xuất phân phối điện tăng 7,92%; cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 7,15%); ngành xây dựng tăng 5,75%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 2% so với cùng kỳ; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 15%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 22%; doanh nghiệp giải thể giảm 1%...

Về du lịch, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 559,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 351,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,9% tổng mức và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (lương thực, thực phẩm tăng 10,3%; nhiên liệu khác tăng 10%; xăng dầu tăng 9,8%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 9,1%; hàng may mặc tăng 7,9%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,2%; hàng hóa khác tăng 17,6%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 75,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng mức và tăng 10,5% (dịch vụ lưu trú đạt 7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 19,7%; dịch vụ ăn uống đạt 68,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 9,6%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% và tăng 67,4%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 117,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% và tăng 6,8% (hành chính, văn phòng tăng 11,2%; giáo dục và đào tạo tăng 9,3%; dịch vụ y tế tăng 8,4%; dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 8,1%).

Hoạt động vận tải trong quý III tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực cả về vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa. Tổng doanh thu quý III tăng 2,8% so với quý trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, doanh thu hoạt động vận tải và bưu chính chuyển phát tăng 17%.

Khách du lịch đến Hà Nội trong 9 tháng đạt gần 3,5 triệu lượt người, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Ngay từ đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế. Với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu” đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch.

Phát triển Thủ đô xứng đáng là Trung tâm đầu não quốc gia, là trái tim của cả nước

Tại Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô Ưu tú” năm 2023 diễn ra ngày 9/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; được thế giới biết đến là Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến, hào hoa, thanh lịch, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; với truyền thống là "Thành phố gương mẫu cho cả nước", trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong các phong trào thi đua, yêu nước của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay đang là những tháng cuối năm 2023 - là giai đoạn cao điểm để cả nước và Hà Nội nỗ lực phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

ha-noi-3.jpg
Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát huy mạnh mẽ truyền thống “Thành phố gương mẫu cho cả nước”

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm khơi dậy ý chí, lòng tự hào, niềm vinh dự, trách nhiệm khát vọng phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tham gia xây dựng Thủ đô, phát triển đất nước. Thành phố tập trung thi đua đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh lan tỏa văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới; hoàn thiện hệ thống pháp luật với cơ chế, chính sách vượt trội, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới...

Thủ tướng lưu ý, Hà Nội tập trung thi đua hoàn thành việc xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược về phát triển không gian thành phố Hà Nội.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm; tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Cùng với đó, huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; hội nhập quốc tế; động lực có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Minh Đức