Vấn đề - Nhận định

Kinh tế Việt Nam: Phía trước là con đường "màu xanh"

Thanh Hải 10/10/2023 16:23

Dù đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược”, tuy nhiên, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đều đánh giá, kinh tế Việt Nam có rất nhiều điểm sáng, xu hướng chung là đang đi lên.

Cơ hội đang rộng mở với kinh tế Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo Triển vọng thị trường 2023, với chủ đề “Việt Nam: Con đường phía trước”, do HSBC Việt Nam tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, bối cảnh thế giới đang có nhiều yếu tố bất định: Xung đột địa chính trị, sụt giảm nhu cầu tại các thị trường dẫn đến xuất khẩu sụt giảm… đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

1696920985479.jpg
Quang cảnh hội thảo

Mặc dù đã và đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” nhưng kinh tế Việt Nam đã và đang thể hiện khả năng chống chịu rất tốt so với nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng chứng là GDP 3 quý đầu năm 2023, tăng ở mức 5,3%, dự báo quý IV/2023 sẽ tiếp tục tăng, dự báo cả năm đạt 5,0%. Đây là kết quả tốt hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.

Ông Tim Evans cũng đánh giá, kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng, đặc biệt trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sự phát triển của kinh tế số. Theo dự báo, đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 50 tỷ USD. Đây sẽ là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á...

Nền kinh tế số phát triển, kéo theo sự phát triển của thị trường tiêu dùng. “Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 trên thế giới, lớn hơn: Thái Lan, Anh, Đức… Điều này có nghĩa các cơ hội trong nền kinh tế Việt Nam đang mở rộng”, ông Tim Evans nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, TS. Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực châu Á của HSBC cho rằng, với mức tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo khoảng 5,0% cho thấy mức chống chịu rất tuyệt vời của kinh tế Việt Nam trước những “cơn gió ngược”.

“Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với các quốc gia khác, như: Nhân khẩu học, kết cấu dân số, nền kinh tế,…”, TS. Frederic Neumann chia sẻ và cho biết: “Việt Nam vẫn duy trì được tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động ở mức cao và còn nhiều thời gian để nâng cao kỹ năng nhằm bù đắp cho sự dịch chuyển về nhân khẩu học”.

Về những thách thức trong ngắn hạn, có thể kể đến như: Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, đồng USD mạnh, xuất khẩu chưa phục hồi… Tuy nhiên, với nền tảng đã đạt được, cũng như sự chủ động và linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, TS. Frederic Neumann cho rằng, Việt Nam không quá quan ngại nếu FED tiếp tục tăng lãi suất.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2023 và năm 2024, TS. Frederic Neumann cho biết, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 là 2,5% và năm 2024 dự kiến là 2,3%, tại Mỹ tương ứng là 2,3% và 1,4%, châu Âu là 0,5% và 0,5%, Trung Quốc là 4,6% và 4,6%... “Còn tại Việt Nam, dự kiến tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,0% và năm 2024 là 6,3%. Đây là con số tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới và đây cũng chỉ là sự bắt đầu cho chu kỳ mới”, TS. Frederic Neumann dự báo.

ESG "chìa khóa" cho tăng trưởng bền vững

“Chúng ta thấy được cam kết của Việt Nam trong quá trình chuyển dịch sang mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này thể hiện rằng, Việt Nam sẽ cần phải dành khoảng 300 - 400 tỷ USD để đạt được mục tiêu Net Zero. Cam kết này có rất nhiều ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam”, ông Tim Evans nêu quan điểm và cho biết: “Khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết và hành động vì mục tiêu Net Zero vào năm 2050 tại COP26, các doanh nghiệp quốc tế và trong nước rất quan tâm đến chủ đề này. Đây là một xu hướng tích cực”.

Tại hội thảo, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam chia sẻ, đang có nhiều tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt, Việt Nam đang có vị thế tuyệt vời trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Trong quá trình tư vấn của chúng tôi trước đây, các nhà đầu tư đều đặt nhiều câu hỏi về thuế và chi phí lao động nhưng hiện nay các nhà đầu tư đang quan tâm đến địa chính trị và các yếu tố về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương và hiệp định thương mại tự do nên các nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Warrick Cleine chia sẻ.

Còn theo bà Megan Lawson, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia ERM Việt Nam, trong 12 tháng qua đã có những sự thay đổi lớn về nhận thức và các chủ đề phát triển bền vững, ESG…. tại Việt Nam. ESG không chỉ là sự quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế, mà còn là sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt. Xu thế trên toàn cầu đang cho thấy, có nhiều doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi cung ứng đến các nơi có nguồn năng lượng sạch, có chính sách về ESG rõ ràng.

Với xu thế hiện nay, bà Megan Lawson cho rằng, thị trưởng tín chỉ carbon sẽ thực sự phát triển. Đây là một xu thế không thể tránh được và có tác động tới mọi quốc gia. “Thị trường carbon đóng vai trò quan trọng để đưa ra các giải pháp quan trọng cho các quốc gia, mang tính đột phá cho nền kinh tế”, bà Megan Lawson nhấn mạnh.

Bà Megan Lawson đưa ra lời khuyên để nắm bắt được các cơ hội từ ESG, đó là: “Hiện nay có rất nhiều tài liệu về ESG, chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin. Do vậy, các doanh nghiệp cần có sự “tò mò”, thôi thúc tìm hiểu. Đồng thời cần đảm bảo sử dụng thông tin thu được một cách hiệu quả, từ đó mang lại năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”.

Trong khi đó, ông Tim Evans cho biết, trong vai trò của một tổ chức tài chính, HSBC sẽ có những hỗ trợ về mặt tài và giải pháp để giúp doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội tốt nhất. “Chúng tôi thấy các quốc gia có các chu kỳ kinh tế khác nhau và chúng tôi có thể chia sẻ về điều này. Chúng tôi có thể giới thiệu các sản phẩm phù hợp giúp khách hàng nắm bắt tốt hơn các cơ hội trong kinh doanh”, ông Tim Evans chia sẻ.

Thanh Hải