KIDO nâng sở hữu tại Thọ Phát lên 68%, tham vọng làm “Bếp ăn quốc dân” với doanh số trên 1.000 tỷ đồng
Quý IV/2023, với sự tham gia của KIDO, doanh số Thọ Phát dự kiến sẽ có thay đổi nhờ tăng độ phủ, hiệu quả chi phí. Năm 2023, Thọ Phát đặt mục tiêu doanh số 1.000-1.100 tỷ đồng.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo giới ngày 10/10, lãnh đạo Tập đoàn KIDO (mã KDC) cho biết, chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Thọ Phát Quốc Tế (Thọ Phát Quốc Tế) từ 25% lên 68% chỉ sau hơn 3 tháng tham gia vào doanh nghiệp này.
Theo đó, Thọ Phát đặt mục tiêu phát triển 1.000 đại lý, 1.200 cửa hàng Mini Bao, 100.000 điểm bán lẻ và 100% cửa hàng MT trên toàn quốc, đưa Thọ Phát trở thành “Bếp ăn quốc dân”, đáp ứng đa nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu sang ít nhất 30 quốc gia trên thế giới.
Ông Trần Lệ Nguyên, Nhà đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết, thương hiệu Thọ Phát xây dựng trên 30 năm, trước đây, tập trung sản phẩm bánh bao. Còn khi KIDO đồng hành cùng Thọ Phát, doanh nghiệp này vẫn giữ cốt lõi ngoài bánh bao còn sản xuất sản phẩm đa dạng trong đời sống như thịt kho, rau củ với chất lượng tươi, không dùng chất bảo quản, giá hợp lý…
“Các bạn trẻ thời nay bận rộn không có thời gian nấu nướng, các sản phẩm sẵn này rất tiện lợi, vẫn đảm bảo dinh dưỡng nhưng thời gian chế biến thì nhanh, chỉ cần hâm nóng, không chỉ có bánh bao. Đây là ý tưởng trước mắt và tương lai sẽ tiếp tục có nhiều ý tưởng hơn, giờ chúng tôi đang bắt tay để cải thiện, cải tiến hệ thống vận chuyển, sản xuất để đảm bảo tối đa chất lượng sản phẩm thực phẩm”, ông Nguyên nói.
Theo lãnh đạo KIDO, với 450.000 điểm phân phối dầu ăn, 120.000 điểm phân phối mảng lạnh, cộng hệ thống trải dài từ Bắc – Nam đều có cơ sở phân phối và đặc biệt là hệ thống logistics, hiện tập đoàn đã bắt tay đồng hành để tái cấu trúc là chính, xây dựng hệ thống từ sản xuất, logistics và đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm. Trước đây, Thọ Phát chỉ có thể bán ở tỉnh lân cận, đi xa chưa được, nay dùng hệ thống phân phối, logistics thì có hoài bão mở rộng thị trường.
Chỉ mới tham gia vào doanh nghiệp vài tháng, nhưng với việc số hóa Thọ Phát, việc vận hành sản xuất, dự trữ, vận chuyển… đã giúp công ty tiết kiệm chi phí 3-6%.
“Không còn cảnh dùng zalo gửi đại lý phân phối, sau đó báo về công ty và ship hàng. Việc đặt hàng trước đây khá lắt nhắt, nhân viên trực điện thoại từ 6 giờ sáng tới khuya, nay số hóa bằng app đặt hàng. Dữ liệu đẩy về công ty sẽ tự động lập kế hoạch sản xuất, các khâu tự động vận hành”, lãnh đạo KIDO cho biết.
Nói thêm về thương vụ hợp tác, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, KIDO vào doanh nghiệp với mong muốn giữ thương hiệu Thọ Phát, không xáo trộn hoạt động doanh nghiệp mà hỗ trợ để tăng giá trị công ty.
Chia sẻ về quyết định hợp tác với “ông lớn” trong ngành thực phẩm, ông Vũ Phước Thọ, nhà sáng lập Thọ Phát cho biết, KIDO là thương hiệu có vị thế trong ngành thực phẩm, nên an tâm khi hợp tác để đưa thương hiệu Thọ Phát phát triển hơn nữa.
“Tôi có hai người con, một người con thích ẩm thực nhưng chuyên mảng nhà hàng, một đứa khác thì mê thể thao không thích kinh doanh. Tôi thì cũng lớn tuổi, cũng muốn về hưu. Trong khi đó, tôi lại rất quý trọng anh Nguyên, cũng nhìn thấy KIDO lớn, các thương vụ M&A của KIDO lại rất thành công, nên đó là sự lựa chọn”, ông Thọ chia sẻ.
Về phát triển sản phẩm ra các vùng miền, ông Mai Xuân Trầm, Phó Tổng Giám đốc KDC cho biết, Thọ Phát có giới hạn thị trường ở miền Trung và miền Bắc. Điều này sẽ được cải thiện khi tận dụng hệ thống của KIDO. Ngoài ra, bộ phận R&D của KDC có lợi thế hiểu người tiêu dùng, khẩu vị vùng miền khác nhau.
“Sau các bước nghiên cứu thị trường cẩn thận, nhanh nhưng không ẩu và tiến hành sản xuất, trong thời gian ngắn, chúng tôi sẽ tăng doanh thu rất nhanh. Bánh bao là sản phẩm có mặt lâu đời ở Việt Nam nhưng chưa có công ty làm mang tính phổ thông, nên đây sẽ là sản phẩm tiềm năng. Như đã chia sẻ, chúng tôi còn phát triển thêm nhiều sản phẩm hấp khác có thiết bị phức tạp, không nhiều đơn vị làm được, vừa là chi phí vừa là kỹ thuật”, ông Trầm thông tin.
Ông Trần Lệ Nguyên cho biết thêm, các sản phẩm tiện lợi nhắm vào giới trẻ là nhiều. Việc đầu tư vào Thọ Phát mới là giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 sẽ đa dạng hóa sản phẩm, sẽ có nhiều thay đổi hơn, đi theo xu hướng liên quan công nghệ về thương mại điện tử, livestream…
“Trên thế giới, như Hàn Quốc ai cũng biết thương hiệu Samsung, đó là sự tự hào, Nhật là Toyota, tôi cũng muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia, KIDO nhiều năm liền cũng là thương hiệu quốc gia, để duy trì thì cần đa dạng hóa sản phẩm thiết yếu, đi sâu vào cuộc sống hàng ngày. Mục tiêu hướng tới Bếp ăn quốc dân vì sản phẩm nào cũng gần gũi đời sống, dân gian Việt Nam. Nếu làm được, ta còn giúp xuất khẩu được nhiều sản phẩm đi thế giới”, nhà đồng sáng lập KIDO cho biết.
Lãnh đạo KDC chia sẻ, những năm gần đây Thọ Phát ghi nhận tăng trưởng 10-12%, 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận tăng trưởng.
Quý IV/2023, với sự tham gia của KIDO, doanh số Thọ Phát dự kiến sẽ có thay đổi nhờ tăng độ phủ, hiệu quả chi phí. Năm 2023, Thọ Phát đặt mục tiêu doanh số 1.000-1.100 tỷ đồng.