Hoạt động ngân hàng

Mục tiêu xuyên suốt là cung cấp dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân trên thiết bị thông minh một cách tiện lợi, an ninh, an toàn

P.V 11/10/2023 08:50

Hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán điện tử. Nhằm làm rõ hơn những kết quả đạt được, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đã có những chia sẻ với giới báo chí về quá trình triển khai chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước cũng như kế hoạch trong thời gian tới.

ong-pham-tien-dung-1.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán điện tử, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành tiên phong, đi đầu trong quá trình chuyển đổi số với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.

Ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Đến nay, hơn 42 triệu hồ sơ khách hàng của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia đã được làm sạch.

Phóng viên: Thời gian qua, chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Từ những kết quả đó, xin ông chia sẻ, dữ liệu từ căn cước công dân và dữ liệu quốc gia về dân cư đã tạo ra nền tảng như thế nào để NHNN hoạch định chính sách?

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Được sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, NHNN đã có nghiên cứu dữ liệu về căn cước công dân và thấy rằng, dữ liệu về căn cước công dân được thể hiện dưới 3 góc độ:

Thứ nhất, dữ liệu được lưu trữ trên chíp bao gồm cả dữ liệu được bảo mật và ứng dụng;

Thứ hai, dữ liệu được lưu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân;

Thứ ba, thông qua ứng dụng VNeID được xác thực ở mức 2, sẽ giúp cho các ứng dụng của ngành Ngân hàng có thể tin cậy, xác thực được khách hàng khi mà chúng tôi sử dụng.

Dựa vào những yếu tố này, ngành Ngân hàng đã ban hành một số Thông tư như: Thông tư về việc mở tài khoản, phát hành thẻ ngân hàng trực tuyến; Thông tư cho phép thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử và gần đây nhất là Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 có hiệu lực từ ngày 01/9/2023 bổ sung hướng dẫn cho vay bằng phương tiện điện tử cho phép khách hàng vay trực tuyến phục vụ nhu cầu đời sống với hạn mức là 100 triệu đồng tại một tổ chức tín dụng.

Mục tiêu xuyên suốt đó là cung cấp dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân trên thiết bị thông minh một cách tiện lợi, an ninh, an toàn và dữ liệu quốc gia về dân cư đã góp phần quan trọng giúp cho NHNN cũng như tổ chức tín dụng thực hiện được các mục tiêu này.

Phóng viên: Việc kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư đối với hoạt động ngân hàng đã mang lại những kết quả rất tích cực, xin ông chia sẻ về một số kết quả đạt được?

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Tháng 4/2023, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch 01 triển khai Đề án 06. Tại Kế hoạch này, hai cơ quan thống nhất 11 nhiệm vụ với 35 đầu việc cụ thể.

Về kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư, các nhóm nhiệm vụ được thể hiện dưới góc độ chính như sau:

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất, làm sạch các dữ liệu trước đây mà ngành Ngân hàng đã mở tài khoản, cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khách hàng bằng chứng minh thư nhân dân hay căn cước công dân chưa gắn chíp;

Nhóm nhiệm vụ thứ hai, xác thực khách hàng khi khách hàng đến đăng ký sử dụng dịch vụ mới;

Nhóm nhiệm vụ thứ ba, khi khách hàng thực hiện giao dịch, sử dụng dịch vụ ngân hàng thì đảm bảo được định danh khách hàng đó một cách chính xác.

Triển khai Kế hoạch 01, đến nay chúng ta đã làm sạch được hơn 42 triệu hồ sơ khách hàng của Trung tâm Thông tin tín dụng. Tiếp theo đó, hầu hết các ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an để xác thực khách hàng tại quầy, xác thực khách hàng thông qua các phương tiện điện tử.

Điều quan trọng nhất, mới đây, NHNN đã có chỉ đạo các ngân hàng xem xét, quyết định áp dụng theo thẩm quyền giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp phục vụ hoạt động cho vay nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân, góp phần đơn giản hóa, rút ngắn quy trình thủ tục cho vay đi đôi với việc tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng

Trong thời gian tới, NHNN sẽ triển khai việc dùng dữ liệu căn cước công dân để đảm bảo xác thực đúng khách hàng thực hiện giao dịch đúng là người đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng, nhằm phòng ngừa việc sử dụng dịch vụ ngân hàng cho các dịch vụ bất hợp pháp.

Phóng viên: Với việc chúng ta kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu như vậy sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân cũng như doanh nghiệp, đặc biệt, trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, gian lận trong lĩnh vực ngân hàng, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Quan điểm của NHNN trên không gian mạng, đầu tiên là phải xác thực được đúng người sử dụng dịch vụ. Với việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh, xác thực điện tử VNeID, sử dụng cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì khi đăng ký dịch vụ, chúng ta đã xác thực được người đăng ký dịch vụ là ai một cách chính xác.

Tiếp theo đó, khi sử dụng dịch vụ thì đảm bảo người đăng ký dịch vụ với người sử dụng dịch vụ là một. Căn cước công dân cũng như VNeID giúp chúng ta làm các công việc tiếp theo sau này.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống “tín dụng đen” nhưng để góp phần phòng chống “tín dụng đen”, chúng ta phải tăng cường các kênh tín dụng dựa trên nền tảng điện tử.

Việc sử dụng dữ liệu căn cước công dân đánh giá khả tín khách hàng vay cho phép các ngân hàng tiếp cận với nguồn dữ liệu tin cậy, giúp ngân hàng có thêm thông tin trong quá trình ra quyết định cho vay, qua đó góp phần đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”.

P.V