Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cố gắng xoa dịu thị trường trong bối cảnh trái phiếu Mỹ bị bán tháo
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, không có gì bất thường trong cách thị trường phản ứng với tình trạng chi phí đi vay tăng cao.
Bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới đang diễn ra tại Marrakech, Marốc, bà Janet Yellen đã nói với tờ Financial Times rằng bà không lo ngại gì về đợt bán tháo trái phiếu kho bạc gần đây khiến lợi suất được đẩy lên mức cao nhất kể từ năm 2007.
Bà Yellen nói: “Tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự rối loạn liên quan đến việc tăng lãi suất”. “Khi tỷ giá biến động nhiều hơn, đôi khi sẽ thấy một số tác động đến chức năng của thị trường, nhưng đó là điều khá bình thường.”
Thị trường trái phiếu Mỹ đang chứng kiến giá đi xuống tồi tệ nhất trong lịch sử.
Trên thực tế, trái phiếu kho bạc dài hạn đã mất 46% giá trị kể từ tháng 3/2020, trong đó trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm 53%, theo dữ liệu của Bloomberg.
Báo cáo việc làm bùng nổ vào tuần trước đã khiến trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 4,9% trong ngày 6/10 trước khi giảm trở lại sau đó. Dữ liệu việc làm nóng ám chỉ việc nền kinh tế Mỹ đang tăng tốc trở lại càng khuyến khích FED tăng lãi suất cơ bản hơn nữa.
Bà Yellen cũng nói với FT rằng số liệu về việc làm rất ấn tượng, nhưng không phải là dấu hiệu của một thị trường lao động nóng.
Bà cũng cho biết không lo lắng về việc lặp lại những vụ phá sản ngân hàng đã xảy ra trong quý I vừa rồi, vốn nguyên nhân được cho là do lãi suất tăng, đồng thời cho biết chất lượng tín dụng nhìn chung “rất vững chắc”.
Các ngân hàng dễ bị tổn thương đã giảm bớt được rủi ro về khả năng xảy ra rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng bằng cách giảm dần các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Trong khi đó, người đi vay dường như đang phải đối mặt với lãi suất cao hơn.
Bà nói thêm: “ Chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lãi suất tăng gây áp lực lớn cho các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp”.
Sự gia tăng đột biến lợi suất trái phiếu Kho bạc đem đến những nghi ngại cho hy vọng về việc FED sớm đưa chính sách tiền tệ trở lại bình thường một cách suôn sẻ.
Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đang phát triển, lãi suất trái phiếu chính phủ tăng có thể đe dọa kế hoạch của các quan chức và ngân hàng trung ương, những người cho rằng đã tạo được tiền đề cho một giai đoạn tăng trưởng ổn định liên tục, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát giảm dần.
Lãi suất tăng liên tục không chỉ có khả năng làm chậm lại nền kinh tế nhiều hơn mức mà các quan chức FED cho là cần thiết để giảm lạm phát, mà còn khiến chính quyền Tổng thống Biden phải chịu chi phí đi vay cao hơn và thâm hụt lớn hơn, khiến các ưu tiên hàng đầu gặp rủi ro, tạo ra một khó khăn mới cho năm 2024 trong bối cảnh bầu cử tổng thống nhiệm kỳ, và buộc ngân hàng trung ương phải tiếp tục thực hiện một số kế hoạch vốn đã triển khai khá lâu.
(Nguồn: Tổng hợp)